DN cần chủ động chống rượu giả để bảo vệ người tiêu dùng

Những ngày cuối năm đã đến gần và cũng chỉ còn hơn tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giải khát, bia rượu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm người tiêu dùng cần cẩn trọng với các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và kém chất lượng trên thị trường. Đặc biệt là mặt hàng rượu.

rượu giả, rượu thậtNgười tiêu dùng hoang mang trước tình trạng rượu giả tràn lan trên thị trường

Tại diễn đàn “Chủ động chống rượu giả và bảo vệ người tiêu dùng” diễn ra mới đây tại Hà Nội, TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, hiện nay quy mô sản xuất rượu ở Việt Nam khoảng 400 triệu lít, trong đó rượu dân tự nấu là 300 triệu lít. Tuy vậy, rượu công nghiệp đang dần thay thế rượu thủ công. Năm 2015, lượng rượu làm giả, làm nhái và không chịu sự quản lý của nhà nước ước tính có thể chiếm tới 50% so với rượu thật. Hậu quả dễ thấy nhất từ việc này là sức khỏe người sử dụng bị ảnh hưởng cũng như tác động tiêu cực tới hình ảnh của các doanh nghiệp sản xuất rượu, chưa kể tới uy tín của ngành rượu trong nước nói chung.

Cũng theo ông Việt, chỉ cần chú ý một chút, người tiêu dùng có thể nhận biết rượu thật – rượu giả cơ bản để tránh tình trạng “mang tiền thật mua phải hàng giả”. Thứ nhất là mức rượu trong chai. Theo ông Việt, do sử dụng công nghiệp và đóng chai tự động, màu sắc cũng như mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Rượu giả được làm thủ công nên màu sắc và mức rượu bên trong chai thường không đồng đều. “Khi mua, nên quan sát vài chai rượu cùng nhãn hiệu, xếp thành dãy và cùng một góc ảnh sáng để nếu thấy chai nào có màu rượu và mức rượu khác biệt thì có thể nghi vấn đó có thể chai giả” – ông Việt cho biết.

Thứ hai, kiểm tra nhãn hàng. Một số lượng lớn các loại rượu giả đều sử dụng lại vỏ của chai rượu thật. Trong quá trình tẩy rửa, đóng chai, nhãn thật bị trầy xước hoặc bị bong ra chút ít. Vì vậy, người mua nên thận trọng với những lời giải thích “hàng bị xước trong quá trình vận chuyển”. Còn đối với các nhãn giả, các nét in sẽ không thể sắc nét và bắt chước được các kỹ thuật in đặc biệt của các hãng chính gốc. Ngay cả khi mua hàng rồi, người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến âm thanh lúc mở nắp sản phẩm. Khi mở nắp chai, rượu thật dễ mở, rãnh đứt sắc nét, có tiếng tách rất gọn. Với rượu giả sẽ khó mở và dai hơn.

Cách phân biệt cuối cùng đó chính là hương vị. Rượu giả thường có mùi cồn hoặc là mùi của sơn móng tay (acetone) khá nặng. Thường thì màu nước rượu giả ít sóng sánh, nếu lắc nhiều sau đó sẽ phát hiện những hạt cặn li ti từ từ rơi xuống đáy chai. Mỗi loại rượu thật đều có những mùi thơm rất đặc trưng; không như rượu giả có vị hơi đắng, khi uống thấy gắt miệng.

Theo ông Việt, để chủ động chống hàng giả, hàng nhái, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp cũng như phải có chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ phạm pháp, đẩy lùi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu trái phép. Có như vậy mới có thể ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn bán, vận chuyển, sản xuất hàng hoá trái phép nói chung, rượu giả, rượu lậu nói riêng.

Về phía doanh nghiệp, ông Mai Văn Lợi – Giám đốc Halico cho biết, ngoài dây chuyền sản xuất tiên tiến, công ty cũng thay đổi mẫu mã và áp dụng công nghệ dập nổi vỏ chai, khó có thể bắt chước được bằng những dụng cụ thông thường.  “Công ty đã đầu tư dây chuyền gần 50 triệu USD để nâng cao chất lượng sản phẩm. Để bảo vệ thương hiệu, Halico cũng áp dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Do vậy, cơ sở nào muốn làm giả cũng rất khó” – ông Lợi khẳng định.

Ở khía cạnh khác, ông Phan Trí Dũng – Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Nhà nước đang khuyến khích người làm rượu thủ công bán lại cho các cơ sở chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn, có nhãn mác. Nhà nước cũng đã ban hành Nghị định 94 để thúc đẩy sản phẩm rượu công nghiệp, thay thế dần rượu thủ công”.

Đánh giá về những cơ hội cho ngành rượu trong nước trong quá trình hội nhập, ông Việt cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển. Việc cần làm là nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương hiệu, đặc biệt là giữ được uy tín và niềm tin trong lòng người tiêu dùng.

Nguồn : Diễn đàn Doanh nghiệp

http://enternews.vn/doanh-nghiep-can-chu-dong-chong-ruou-gia-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung.html

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading