Thuốc cấm làm chín trái cây siêu tốc: Muốn mua là có!

Chỉ trong vòng 24 giờ, loại trái cây bị tẩm thuốc bỗng trở nên vàng, đỏ, đẹp mắt và ngay lập tức được bán cho người tiêu dùng.

Theo nguồn tin riêng về hiện tượng sử dụng hóa chất làm chín ép trái cây trong thời gian gần đây, phóng viên đã tiếp cận một đầu mối bán đu đủ với số lượng lớn ở Chương Mỹ (Hà Nội) để đặt mua hàng. Tại đây, anh T. chủ hàng cho biết, mùa thu hoạch đu đủ ở đây bắt đầu từ sau tết Nguyên đán cho đến khoảng tháng 7.

Những lọ hóa chất này chứa chất Ethephon, thể tích chỉ khoảng 5ml, xuất xứ từ Trung Quốc.Những lọ hóa chất này chứa chất Ethephon, thể tích chỉ khoảng 5ml, xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu cần đặt mua với số lượng lớn và liên tục thì lúc nào cũng sẵn hàng- chủ hàng nói và chỉ vào kho đu đủ hơn 10m2 vẫn còn xanh nhựa được đặt san sát trên nền nhà.

Khi được hỏi nếu cần ngay lượng lớn đu đủ chín trong ngày thì có đáp ứng được không, anh này chần chừ một lúc rồi giải thích: Nếu để tự nhiên hoặc bôi vôi thì mất từ 3-5 ngày, đu đủ sẽ chín. Còn muốn chín nhanh nữa thì chỉ mất chưa đến 1 ngày, tuy nhiên cái này em phải dùng “thuốc”.

Cũng theo anh chủ hàng này, anh ta không trực tiếp làm công đoạn chín ép trái cây mà chỉ bán buôn, song người mua hàng muốn “xử lý” sản phẩm chín nhanh như thế nào thì tùy, nếu không biết thì anh ta sẽ chỉ cho một loại “thuốc”, chỉ cần nhỏ vài giọt vào cuống cho hiệu quả tức thì.

Theo chỉ dẫn của anh T. phóng viên đến gặp bà T.T.M (Trung Văn - Hà Nội), là người có thâm niên trong nghề kinh doanh trái cây. Bà T.T.M cho biết, hiện nay loại hóa chất này không còn được bán rộng rãi trên thị trường vì ai cũng biết đây là hàng cấm.

Do vậy, chỉ có hàng bán cho người quen còn người lạ khó mà kiếm được. Loại hóa chất này có nguồn gốc từ Trung Quốc, có giá khoảng 15.000 đồng/lọ, bên ngoài vỏ màu vàng, nhãn mác toàn bằng tiếng Trung. Mỗi lọ có thể tích chỉ khoảng 5ml nhưng có thể pha thêm tới cả lít nước để tạo nên một loại dung dịch làm chín ép trái cây.

Theo bà T.T.M, nếu là khách quen thì mua bao nhiêu cũng có thể bán với nhiều loại thuốc có tác dụng làm đẹp trái cây khác nhau.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một chuyên gia thuộc Viện Công nghệ sinh học và được biết: Thực tế, có rất nhiều loại hóa chất khác nhau có thể làm chín ép trái cây xanh non như: Chuối, đu đủ, mít, hồng xiêm… chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ bằng phương pháp tiêm hoặc nhỏ thuốc trực tiếp vào đầu cuống.

Các loại hóa chất này thường có xuất xứ từ Trung Quốc và trong thành phần có chứa chất “Ethephon”. Về khía cạnh khoa học, Ethephon (Ethrel) là chất điều hoà sinh trưởng thực vật, có tác dụng kích thích sự rụng lá. Qua đo thúc đẩy quá trình già hóa, phát triển chín của quả, phân hóa và sinh trưởng của rễ cây.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: Nếu các lái buôn sử dụng Ethephon với nồng độ cao, liên tục trong vòng 1-2 ngày để làm chín ép hoa quả thì chất Etylen sẽ không thể bay hơi hết, tồn dư chất Clorit gây độc làm kích ứng mắt, tổn thương da, nổi mẩn,... Còn nếu sử dụng lâu dài, chất Clorit sẽ ngấm vào cơ thể làm suy giảm chức năng của gan, thận…

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thục Lan - Trưởng phòng Thanh tra Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết: Trên thị trường hiện nay, vẫn còn tồn tại một số loại hóa chất không có nguồn gốc xuất xứ dùng để ép chín thực phẩm, trái cây. Tuy nhiên, khác với nhiều năm về trước, các loại “thuốc” này giờ đã không còn được bày bán công khai ngoài thị trường nữa, chỉ có thể phát hiện được mẫu vật phẩm là tang vật ở trong những đường dây buôn bán, tập kết, thu gom với số lượng lớn.

Gần đây nhất, điển hình là vụ việc bên thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện được một kho chuối vẫn còn xanh nhựa đang được tập kết để chuẩn bị cho công đoạn làm chín ép ở một nhà dân thuộc làng X, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, vì số lượng lớn kèm theo các đối tượng hết sức cảnh giác với các lực lượng chức năng nên dù đã tiếp cận kho hàng, nhưng để bắt quả tang cả một đường dây lại là một công việc không hề đơn giản. Hiện tại thì chúng tôi đã bàn giao cho bên Công an để phối hợp đấu tranh, làm rõ vụ việc.

Để giải quyết được triệt để vấn nạn trên, cần sự quyết liệt của các bộ, ban, ngành có liên quan trong vấn đề quản lý nguồn gốc, chất lượng sản phẩm; bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người nông dân trong việc sử dụng các loại hóa chất, chất bảo quản… để người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn.

Nguồn : báo Hải Quan

http://phunuonline.com.vn/mua-sam/thi-truong/thuoc-cam-lam-chin-trai-cay-sieu-toc-muon-mua-la-co-60250/

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading