“Lợi nhuận” từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết trước ngưỡng của TPP.

Theo một nghiên cứu của Nielsen, gần 3/4 người Việt được hỏi khẳng định sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và môi trường.

TPP đòi hỏi khắt khe cam kết của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng…

Điều đó cũng có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội theo đánh giá của năm doanh nhân trong hội thảo “trách nhiệm xã hội trong thời kỳ hội nhập: chi phí, giải pháp, hay đầu tư” do câu lạc bộ lãnh đạo Đắc nhân tâm tổ chức ngày 7.11.2015.

ngày hội hiến máu nhân đạo

Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc công ty Giấy Sài Gòn khẳng định CRS là khoản đầu tư lâu dài, có thành công, có thất bại, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả bền vững,giúp doanh nghiệp hội nhập sâu hơn. Ngoài hiệu quả kinh tế là giá trị tinh thần, giá trị xã hội. Ông Vị chia sẻ: “Khi vào TPP, chắc chắn doanh nghiệp nước ngoài khi qua Việt Nam làm ăn sẽ yêu cầu đầu tiên là CSR”.

Bà Nguyễn Thị Phương Anh, giám đốc hỗ trợ hoạt động cộng đồng Prudential cho biết: “Một khảo sát của Mỹ cho biết cảm nhận khách hàng về công ty 41% dựa trên những hoạt động CSR, có khuynh hướng trung thành hơn với nhãn hiệu, nhân viên có khuynh hướng vui hơn, hạnh phúc hơn qua những hoạt động CSR của công ty”.

Cách làm?

Bà Trương Thị Thanh Thanh, giám đốc Trách nhiệm xã hội tập đoàn FPT chia sẻ quá trình đưa CRS thành những giá trị phổ quát cho toàn đội ngũ: “CSR đến từ cái tâm, không phụ thuộc vào tiền bạc nhiều hay ít. Những san xẻ ban đầu như xây cầu, hiến máu, cho trẻ em sách vở tới trường… sau đó FPT đã có những chương trình mang giá trị cốt lõi cho xã hội như Thi toán Olimpic trên mạng. Số học viên tham gia 20 triệu học trò, sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều việc đi xây cầu, hiến máu cho xã hội. Con đường đi rất dài, nhưng phải bắt đầu bằng khát vọng, cái tâm của mình, chỉ như thế chúng ta mới mạnh lên. Hãy làm tất cả những gì có thể để “vươn lên Việt Nam”, thoát khỏi nghèo hèn. Chính nhờ khát vọng đó chúng tôi đã phát triển công ty lên 27 ngàn người ở khắp các quốc gia”.

Theo ông Vị: “Năm 2004 đầu tư nhà máy giấy, sản xuất giấy liên quan đến môi trường mật thiết, vì toàn bộ nguyên liệu là giấy tái chế, phải sử dụng công nghệ hiện đại của châu Âu mới có thể xuất đi Mỹ, châu Âu. Nếu đầu tư hời hợt thì không thể bền vững. Đầu tư xử lý nước thải cũng vậy, nếu không đạt chất lượng quốc tế sẽ như quả bom nổ chậm về môi trường. Phải đầu tư bài bản, trọng vẹn, để không có nước thải ra bên ngoài. Về khí thải, chúng tôi sử dụng hơi đốt từ vỏ trái, gỗ. Ngoài cơ sở vật chất còn xây dựng chung cư 5 tầng phục vụ nhu cầu ăn ở cho nhân viên và tạo môi trường thân thiện, có cả một nhà trẻ bên trong. Để thành nhà máy sạch, không có rác phải tập rất lâu cho nhân viên. Tôi chủ trương đào tạo một con người tốt cho xã hội nên rất thoải mái đầu tư con người, xây dựng môi trường văn hóa cho chính mình. Gieo trong anh em trước khi ra bên ngoài phải làm tốt nhất bên trong. Công đoàn phải hoạt động thực sự có ý nghĩa. Tổ chức đi thăm những người khó khăn để anh em cảm nhận được sự may mắn của mình, trao đi chính là hạnh phúc, tự gắn kết giáo dục nhau”.

Năm 2012 Giấy Sài Gòn đạt giải thưởng CSR khu vực, với sự thẩm định của công ty quốc tế, đó là cách học thế giới để đi đúng. Định hình rõ nét, làm trong tâm thế tập trung, rõ ràng hơn về trách nhiệm xã hội, lao động sẽ có tinh thần tốt hơn. Tôi nghĩ các CLB và các tổ chức cũng phải góp phần tác động đến người tiêu dùng và thị trường để nhận thức cộng đồng rõ nét hơn khi dùng sản phẩm. Chúng tôi rất thiệt thòi khi cộng đồng chưa nhận thức được sản phẩm sạch, xanh, vì đầu tư của mình rất lớn. Đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, tiêu chí CSR là đầu tư bền vững từ quản trị, con người, sản phẩm. Nếu không tuân theo quy luật chung này không thể tồn tại.

Lợi cho trái đất và cho con người

TS Lê Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ cao My Lan chia sẻ động lực khiến mình quyết tâm về Trà Vinh, một tỉnh nghèo nhất của miền Tây để xây dựng một “ thung lũng silicon xanh”: “Tôi nghĩ CSR là lợi nhuận, khiến mình xanh hơn, khỏe hơn. Trách nhiệm đầu tiên với mình là trách nhiệm với trái đất, nơi mình sinh ra, cho nó sạch hơn, xanh hơn. Doanh nghiệp nên hội nhập nhanh hơn CSR, để tránh hiện tượng đất đai ngày càng khô cằn hơn, thiếu nước hơn”.

Chính đó là động lực để ông Mỹ về Trà Vinh tạo dựng tập đoàn My Lan. Nhiều người tham quan thấy đây là công viên, xanh sạch đẹp, bắt đầu từ toa let của công ty, không xài giấy mà xài khăn. Công ty sản xuất hóa chất nhưng dùng cây cỏ để xử lý lại hết, tiết kiệm nước tối đa. CSR phải bắt đầu từ người lãnh đạo, khởi nghiệp bằng khái niệm làm sạch trái đất chứ không làm giàu.

“Tôi hy vọng công viên My Lan sẽ lan rộng ra cả đất nước mình. Bác Hồ đã nói không có việc gì khó, chỉ sợ mình không làm. CRS giúp tôi thu được rất nhiều tiền nhưng phải minh bạch. Nhiều người hỏi tôi làm sao duy trì chiến lược CSR bền vững? Lấy cái tâm mình ra là làm được thôi à!”

Nguồn : Thế giới Tiếp thị

http://thegioitiepthi.net/the-gioi-hoi-nhap/doanh-nhan-doanh-nghiep/loi-nhuan-tu-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep/

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading