Smartphone giá rẻ: ngoại bành trướng, nội đi đâu

Các thương hiệu ngoại đang tăng cường đầu tư vào phân khúc smartphone giá rẻ với mức tăng trưởng dự kiến hơn 50%. Làn sóng này đang đẩy khối nội vào thế phòng thủ yếu ớt, thậm chí đứng trước nguy cơ xóa sổ trong năm nay.

Báo cáo gần đây của Công ty Nghiên cứu Thị trường IDC Việt Nam cho thấy, điện thoại thông minh (smartphone) đã chiếm 9% thị trường điện thoại di động Việt Nam quý II/2011, tương đương hơn 400.000 chiếc. Với sự xuất hiện những dòng smartphone giá rẻ, IDC dự đoán số lượng này sẽ tăng theo cấp số nhân. Theo đó, đến cuối năm 2012, thị trường smartphone của Việt Nam dự báo đạt 2,7 triệu đơn vị. Trong đó, loại giá rẻ sẽ chiếm 80-90% thị trường.

Cơn lốc ngoại

Gia nhập thị trường từ tháng 5.2008, có thời điểm thương hiệu di động trong nước Q-Mobile đã làm mưa làm gió và giành thị phần của Nokia, Samsung, LG. “Năm 2009, chúng tôi đã bán ra hơn 2,5 triệu máy”, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty ABTel, đơn vị sở hữu thương hiệu Q-Mobile, từng cho biết. Cùng với đó là sự ra đời của các dòng smartphone nội như Mobistar, FPT Mobile, Bluefone, Avio, Hi-mobile... trong những năm 2009-2011. Các máy này có giá từ 2-3 triệu đồng/máy.

điện thoại thông minhĐến cuối năm 2012, thị trường smartphone của Việt Nam dự báo đạt 2,7 triệu đơn vị. Trong đó, loại giá rẻ sẽ chiếm 80-90% thị trường.

Tuy nhiên, sau giai đoạn thành công ban đầu, Q-Mobile, Mobistar hay FPT Mobile chỉ tung ra lượng sản phẩm rất hạn chế. Vì vậy, so với năm 2010, thị trường điện thoại thương hiệu Việt năm 2011 khá trầm lắng.

“Các sản phẩm trong nước mang vỏ Việt Nam, nhưng ruột được sản xuất tại Trung Quốc, thường từ khu vực Thẩm Quyến. Một khi các thương hiệu lớn nước ngoài đánh vào phân khúc giá rẻ thì chắc chắn họ sẽ lấn lướt các thương hiệu nội”, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng bán lẻ Mai Nguyên Luxury Mobile, cho biết.

Thực tế đang diễn ra đúng như vậy. Các hãng quốc tế đang có mặt tại Việt Nam như Samsung, Nokia, LG đều đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới như LG Optimus của LG, Android Galaxy Y của Samsung... Cuối năm 2011, cạnh tranh càng khốc liệt hơn khi Nokia tung ra 2 mẫu giá rẻ Nokia C2-00 và Nokia X1-01 với mức giá lần lượt là 1.499.000 đồng và 999.000 đồng.

Số liệu không chính thức từ 2 chuỗi bán lẻ là Thế giới Di động và Viễn Thông A cho thấy, dòng smartphone giá rẻ của Nokia đang thu hút người dùng. Hệ quả tất yếu là nhiều sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt ngày càng sụt giảm doanh thu. Một nguồn tin của IDC Việt Nam cho hay, doanh thu của các thương hiệu nội trong năm 2011 giảm 40-50% so với năm 2010 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra trong năm nay.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương và Thái Lan, cho biết: “Các hãng như Nokia, Samsung, LG, HTC sẽ sớm đưa ra giá bán các dòng smartphone mới có giá dưới 100 USD/máy hoặc thấp hơn. Áp lực giá sẽ tiếp tục đè lên các thương hiệu nội”.

Trong khi đó, ông Đỗ Giang Vinh, Giám đốc HiPT Mobile cho rằng, năm 2012 sẽ là 1 năm rất khó khăn cho điện thoại thương hiệu Việt, thậm chí một số hãng có nguy cơ ngừng kinh doanh vì thua lỗ.

Cửa thoát hiểm

Trước tình hình không mấy sáng sủa, một số thương hiệu điện thoại trong nước đã lên kế hoạch nhằm cải thiện doanh thu và tiếp tục tồn tại.

Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc Thương hiệu Mobistar, cho biết phân khúc điện thoại tiền smartphone, dòng sản phẩm cấp thấp hơn smartphone và có giá rẻ hơn, cũng đang phát triển. Dòng điện thoại này nhắm tới những khách hàng muốn tận hưởng các tính năng chơi game, lướt web, chat trên điện thoại màn hình cảm ứng 3D. Vì vậy, đầu tháng 3.2012, Mobistar đã cho ra mắt dòng sản phẩm T803D và T903D có giá bán lẻ 1,7 và 1,8 triệu đồng dựa trên chiến lược 3Đ (đẹp về thiết kế và chất liệu, độc đáo với các ứng dụng mới và đã với màn hình 3D).

Ông Kha cho biết, 2 tháng đầu năm nay, Mobistar vẫn duy trì được tốc độ bán hàng ổn định nhờ dòng sản phẩm này. Mobistar cũng đang khảo sát thị trường Cà Mau và một số tỉnh lân cận. Đây được xem là địa bàn phân phối mới cho dòng sản phẩm tiền smartphone của Hãng trước tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay. Nguồn tin từ chuỗi bán lẻ Thế giới Di động cho hay, Mobistar dự kiến sẽ phân phối khoảng hơn 30% dòng sản phẩm này tại thị trường nông thôn trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Kha từ chối bình luận về chiến lược này.

Hôm 16.3, FPT Mobile tiếp tục đánh vào phân khúc hẹp với điện thoại di động 2 sim 2 sóng mang tên FPT F6 chạy trên nền Android có giá 3 triệu đồng.

Để đáp trả, Nokia tung ra 3 mẫu điện thoại là Asha 200, Asha 300 và Asha 303. Riêng Nokia Asha 200 cũng hỗ trợ 2 sim 2 sóng và được tích hợp công nghệ điện toán đám mây có khả năng nén dữ liệu, bàn phím Qwerty, mức giá chỉ 1,7 triệu đồng.

Trong bối cảnh đó, nổi lên như một điểm sáng trong phân khúc smartphone giá rẻ là thương hiệu Viettel. Hãng này được kỳ vọng có thể trở thành đối thủ đáng gờm với khối doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai.

Hôm 23.2 vừa qua, ông Nguyễn Vũ Lưu, Giám đốc Trung tâm sản xuất thiết bị điện tử Viettel, cho biết đơn vị này sẽ tự nghiên cứu sản xuất smartphone, kể cả các dòng sản phẩm giá rẻ và máy tính bảng ngay trong nửa đầu năm nay. Tập đoàn này sẽ chi tới 2.000 tỉ đồng trong năm 2012 để thực hiện mục tiêu sản xuất và thương mại hóa các dòng sản phẩm smartphone, sản phẩm USB 3G, máy tính bảng và máy tính đa năng All-in-one. Riêng các sản phẩm smartphone và máy tính bảng sẽ có mức giá khoảng dưới 4 triệu đồng.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các dòng smartphone giá rẻ trong nước với các đối thủ nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục diễn ra khốc liệt. Cho tới lúc này, ưu thế vẫn đang nghiêng về phía các nhà sản xuất nước ngoài. Ông Lâm Nguyễn, Giám đốc IDC Việt Nam khẳng định, khối doanh nghiệp trong nước sẽ khó có khả năng tạo bước đột phá về thị phần và tiếp tục bị lấn sân trong năm nay.

Nguồn : Nhipcaudautu

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading