Huyền bí suối cá thần Cẩm Lương

Ở miền Tây xứ Thanh có một điểm du lịch vô cùng độc đáo, đó là suối cá thần Cẩm Lương ở huyện Cẩm Thủy.

Cả một khúc suối dài hàng ngàn con cá, nhao động theo chiếc lá rơi hoặc nhánh rau du khách thả xuống là một cảnh tượng vô cùng ấn tượng.

Suối cá huyền thoại

Suối cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy (cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 80km về phía tây Bắc). Xã Cẩm Lương nằm ở bờ bắc sông Mã, đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2-8 kg, có cá chúa nặng tới 30kg, gồm các loài cá dốc (có tên trong Sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như đỏ, xanh, hồng... Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp.

cá thần suối Cẩm LươngDu khách vui đùa với đàn cá thần suối Cẩm Lương.

Về thăm suối cá, nhớ chọn những ngày nắng đẹp, vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20-40cm, cả con suối Ngọc dài 150m, rộng khoảng 3m nước trong vắt, nhìn rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội. Càng vào sát chân núi, càng nhiều cá lớn và ngay trước cửa hang, hàng nghìn con cá nặng từ 3-5kg nằm sát bên nhau, kín đặc cả suối nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần.

Truyền thuyết kể rằng, hễ có ai ăn cá hoặc làm tổn thương cá thì sẽ gặp điều chẳng hay cho mình và cho gia đình. Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt. Ông Hà Văn Thân- người được chính quyền địa phương giao cho công việc trong coi, bảo vệ suối cá thần cho biết: “Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng. Không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng”.

Chuỗi du lịch của vùng

Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Hiện nay, đã có đường cầu treo qua sông Mã để du khách có thể qua lại dễ dàng. Ngoài chiêm ngưỡng cá thần, du khách đến đây còn có thể khám phá hang động trên núi Trường Sinh. Những khối thạch nhũ tuyệt đẹp cuốn hút không ít khách tham quan dù đường đi khá hiểm trở. Trên đường đi vào suối cá thần, khách du lịch còn được chiêm ngưỡng những nhà sàn đơn sơ, mộc mạc của đồng bào dân tộc Mường nằm lẩn khuất trên sườn núi, chìm đắm trong không gian bình yên của những dãy núi đá cao chót vót với những hình hài kỳ thú nằm hai bên bờ sông Mã, tìm hiểu những phong tục, tập quán độc đáo của bà con dân tộc thiểu số nơi đây như dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa pồn-pông…

Ông Hoàng Trung Hải- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy cho biết: Nhiều năm qua, huyện đã chủ trương kết hợp phát triển du lịch sinh thái và du lịch nhân văn cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho du lịch. Địa phương cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng cho các khu di tích thắng cảnh; từng bước xây dựng, hình thành tuyến du lịch khép kín trong huyện gồm: Động Cửa Hà (Cẩm Phong) – suối Cá (Cẩm Lương); Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng làng Dùng (Cẩm Liên) – chùa Rồng (Cẩm Thạch) – chùa Chặng (Cẩm Sơn), gắn với tuyến du lịch của tỉnh: Sầm Sơn – Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) – suối Cá – Lam Kinh (Thọ Xuân)...

Thanh Hóa- vùng đất của cá thần với 3 suối cá tự nhiên kỳ lạ, suối cá thứ nhất nằm ở thôn Lương Ngọc, Cẩm Lương, Cẩm Thủy; suối cá thứ 2 nằm ở thôn Dùng, Cẩm Liên, Cẩm Thủy; suối cá thần thứ 3 nằm ở thôn Chiềng Ban, Văn Nho, Bá Thước. Thu hút nhiều khách nhất vẫn là suối cá thần Cẩm Lương.

Nguồn : Dân Việt

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading