Thương hiệu Việt nhượng quyền ra thế giới nhìn từ chiến lược của Lion City

Đã có hàng loạt các thương hiệu nước ngoài nhượng quyền ở Việt Nam. Ở chiều ngược lại, có bao nhiêu thương hiệu Việt Nam bước ra thế giới?

Mới đây, công ty Multi Trust, đơn vị quản lý thương hiệu Lion City tại Việt Nam cũng đã chính thức bước chân vào cuộc chơi này thông qua thương vụ nhượng quyền thương hiệu Lion City cho một đối tác tại Malaysia. Đây là thương vụ nhượng quyền thứ ba của Lion City và cũng là thương vụ nhượng quyền ra nước ngoài đầu tiên của thương hiệu này.

Sôi động thị trường Việt Nam

Năm 1997, thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới KFC lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, tiếp theo đó là hàng loạt các tên tuổi lớn khác như: Lotteria, Pizza Hut, Starbucks, Highlands Coffee, Burger King, McDonalds… Cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam hầu hết những “gã khổng lồ” này đều chọn chiến lược phát triển thông qua con đường nhượng quyền thương hiệu.

Theo ông Harry Ang, người sáng lập thương hiệu Lion City, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt là TP HCM, đây được xem như là một ASEAN thu nhỏ, là điểm giao thoa của các nền văn hóa ẩm thực. Nếu như trước đây, rất khó để tìm các món ăn đến từ các quốc gia Hồi Giáo, những quốc gia có rào cản tôn giáo và yêu cầu khắt khe về ẩm thực, thì nay các chuỗi nhà hàng phục vụ những món ăn này đã có mặt tại Việt Nam.

Mặt khác, với kinh nghiệp nhiều năm sống tại Việt Nam, ông Harry Ang đã nhận thấy cơ hội của Lion City tại thị trường này khi ngày càng nhiều người quan tâm đến nhu cầu trải nghiệm dịch vụ ăn uống đẳng cấp, kết hợp giữa thực phẩm thuần túy mang đặc trưng vùng miền, phong cách phục vụ hạng sang trong một không gian ấm cúng với phong cách hiện đại.

“Ngày nay, khi mức sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhu cầu thưởng thức ẩm thực của một bộ phận người dân có mức thu nhập cao cũng vì thế mà tăng theo. Họ không chỉ thích ăn ngon mà còn phải “ăn đẹp” và “ăn vui”. Tôi cho rằng, đây là nhu cầu thiết thực và chính đáng của những người sành ăn, những người muốn ra tăng dịch vụ ăn uống, tiếp thu nền văn hóa ẩm thực đa dạng, từ đó nâng cao tiêu chuẩn sống”, ông Harry Ang cho biết.

Thời gian vừa qua, thị trường nhượng quyền trong nước chứng kiến sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại và cả doanh nghiệp nội. Điều này đã và đang tạo ra sự sôi động trên thị trường Việt Nam.

Nhà sáng lập thương hiệu Lion City chia sẻ về thương vụ nhượng quyền ra nước ngoài đầu tiên của Lion City

Hướng đi chiến lược của Lion City

Việc tham gia vào sân chơi nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài của Lion City được xem là một bước đi chiến lược của thương hiệu này sau hơn một thập niên thử nghiệm thành công chuỗi nhà hàng Singapore đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Việt Nam.

Mô hình nhượng quyền của Lion City đã và đang được triển khai không chỉ trong phạm vi quốc gia mà sẵn sàng vươn ra thế giới. Địa điểm ưu tiên nhất cho các đối tác nhượng quyền là mặt bằng phải nằm ở trung tâm thành phố, nơi có lưu lượng giao thông đông đúc, dễ tiếp cận, tập trung nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều tòa nhà văn phòng, là những nơi đặt trụ sở của các Tập đoàn đa quốc gia.

Ông Harry Ang, nhà sáng lập Lion City cho biết: “Lựa chọn đầu tiên của tôi là Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), nơi giao thoa các nền văn hóa Mã Lai và Trung Hoa làm nơi mở rộng chi nhánh nhượng quyền thương hiệu là một quyết định chiến lược, nằm trong lộ trình mang ẩm thực truyền thống Singapore ra với thị trường Thế giới. Thị trường tiếp theo sau Malaysia mà Lion City nhắm tới sẽ là Thái Lan”.

Cũng theo ông Harry Ang, để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của nhà hàng cao cấp, Lion City luôn tuân thủ nghiêm ngặt 3 tiêu chí: Món ăn thật sự hoàn hảo, phục vụ chuyên nghiệp và sự ngăn nắp sạch sẽ. Đây là cơ sở để Lion City tạo dựng uy tín và niềm tin từ phía thực khách cũng như các đối tác nhượng quyền thương hiệu trong và ngoài nước.

-------------------
Thật ra, câu chuyện nhượng quyền ra thế giới là điều mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để doanh nghiệp có thể bước ra thế giới một cách bền vững, chủ động và tự tin đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị.

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu cho rằng, để nhượng quyền ra thế giới, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là phải tự trả lời câu hỏi mình có dám thay đổi không? Có đặt doanh nghiệp mình và đối tác cùng một tầm nhìn, cùng hỗ trợ phát triển chưa? Có xem thành công của đối tác là thành công của chính mình không? Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải xây dựng các nền tảng phù hợp và đi theo một lộ trình rõ ràng để bước ra thế giới theo 3 giai đoạn: (1) Tái cấu trúc; (2) Nhượng quyền nội địa; (3) Nhượng quyền ra thế giới. Doanh nghiệp không thể đốt cháy giai đoạn mà phải có từng bước đi thích hợp trong mỗi giai đoạn. Bà Vân cho rằng, những doanh nghiệp đang làm chủ nguồn nguyên liệu, có được chuỗi cung ứng sẽ có lợi thế để gia tăng giá trị khi xây dựng mô hình nhượng quyền.

Nguồn : Diễn Đàn Doanh Nghiệp

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading