Làm mới sản phẩm quanh cây ngải cứu

Ngải cứu, một loài thảo dược quen thuộc được nhiều người dùng bấy lâu nay, lại là mảnh đất cho nhiều đổi mới, sáng tạo xuất hiện. Nhờ đó, nhiều cơ hội thị trường được mở ra và tác động ngược lại, khuyến khích những cái mới tiếp tục phát triển.

Cuối năm 2016, sản phẩm máy hơ ngải cứu do Hà Văn Lộc sáng chế đạt giải nhất cuộc thi “Nhà sáng tạo xuất sắc nhất (Best Innovator Award) do trường Đại học Việt Đức, Đại học Leipzig phối hợp cùng với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam TPHCM tổ chức. Sau cuộc thi, Lộc trở thành thành viên vườn ươm Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Cột mốc này là một ngã rẽ đưa Lộc bước chân vào con đường khởi nghiệp, hình thành nên doanh nghiệp tên gọi “TCS”.

Hà Văn Lộc sinh năm 1980, vốn là kỹ thuật viên tại một công ty chuyên sản xuất nệm. Anh đến với cây ngải cứu rất tình cờ. Kể lại khoảng thời gian bắt đầu, Lộc cho biết một người bạn đề nghị anh chế tạo máy hơ ngải cứu. Lý do là các loại máy có mặt trên thị trường có giá tới hơn 3 triệu đồng, nhiều người dùng bình dân khó mà tiếp cận.

Lộc bắt tay làm, càng làm càng đam mê và những kết quả tích cực xuất hiện. Chiếc máy hơ ngải cứu TCS với thân bằng gỗ (thay vì bằng nhựa như trên thị trường), thiết kế nhỏ gọn, dễ dùng được ra đời. Với giá bán cơ bản 1,6 triệu đồng/máy, sản phẩm được khách hàng đón nhận.

Trong quá trình bán máy, đi sâu vào ngành, Lộc nhận thấy những viên ngải cứu trên thị trường có gì đó chưa ổn. Không có nhà sản xuất nhang ngải cứu nào tuyên bố sản phẩm của mình 100% từ ngải cứu. Vậy trong một viên ngải cứu có những thành phần như thế nào? Chất gì giúp kết dính lá ngải cứu thành dạng viên? Tại sao các viên ngải cứu lại có mùi khó chịu khi đốt? Liệu những mùi đó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Bị ám ảnh bởi những câu hỏi như trên, Lộc đi tìm câu trả lời. Từ một người chuyên về kỹ thuật, anh dấn thân vào ngành dược liệu và công nghệ làm nhang. Quí 2-2017, TCS có thêm sản phẩm mới là viên ngải cứu với 100% hàm lượng là ngải cứu, không pha tạp chất, không dùng keo kết dính và vẫn giữ được màu xanh diệp lục của lá ngải cứu. Dĩ nhiên, thời gian đầu, không ít khách hàng bày tỏ sự nghi ngờ. Điều đó như “gáo nước lạnh” dội ngược vào bao tâm huyết làm ra sản phẩm sạch của Lộc. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh nghĩ đến một dung môi hòa tan trung tính giúp phân biệt sản phẩm: nếu là viên ngải cứu nguyên chất thì khi bỏ vào dung môi nó sẽ dễ dàng chìm xuống trong khoảng 10-15 giây; còn sản phẩm có dùng keo kết dính thì sẽ rất khó thấm nước. Anh giải thích điều đó và dần có được niềm tin từ khách hàng.

Tháng 8 vừa qua, “Máy hơ ngải cứu và viên ngải cứu TCS” là một trong 14 dự án nhận được sự hỗ trợ từ Speedup 2017 - một chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM. Ngân sách dành cho TCS là 700 triệu đồng. Số vốn này tuy không lớn nhưng là sự ghi nhận và động viên đối với những giá trị mà TCS mang lại.

Nhận xét về TCS, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Khu Nông nghiệp công nghệ cao, cho biết TCS có ba ưu điểm đáng chú ý. Thứ nhất, họ đi đúng xu hướng khi thị trường đang quay về dùng các sản phẩm tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe. Kế đến, họ có công nghệ làm mới một sản phẩm cũ một cách tự nhiên mà không cần dùng đến phụ gia và hóa chất. Và, sản phẩm của họ vốn dĩ chẳng xa lạ gì với người dùng nên dễ dàng được đón nhận.

Hiện mỗi tháng TCS bán được khoảng 1.200 hộp viên ngải cứu. Mỗi hộp có giá 60.000 đồng hoặc 75.000 đồng, tùy kích thước. Doanh thu còn khiêm tốn nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, Lộc chia sẻ anh có nhiều niềm vui và sự lạc quan về chặng đường phía trước.

 Lạc quan vì doanh thu tăng trưởng nhanh theo từng tháng; lợi nhuận dự án tuy không cao nhưng đủ để các thành viên không bị vướng bận nhiều với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Theo tính toán của Lộc, TCS hiện mới đạt thị phần khoảng 5% trong thị trường viên ngải cứu và không gian phát triển còn rộng.

Chưa kể công ty có đủ khả năng mở rộng sang lĩnh vực nhang thảo dược chống muỗi, chống côn trùng và nhang thắp thường ngày với công nghệ không dùng keo kết dính, không hóa chất phụ gia và giữ nguyên màu xanh diệp lục. Thật ra, hướng mở rộng này không phải do anh nghĩ ra mà đến từ gợi ý của một đối tác. Họ đề nghị góp 5 tỉ đồng để TCS làm thêm mảng nhang thắp, nhang đuổi muỗi và cam kết trong vòng sáu tháng, sản phẩm làm ra có thể phủ tất cả tỉnh, thành trên cả nước. Đổi lại, họ nắm cổ phần và chia sẻ về công nghệ mà TCS sở hữu. Tuy nhiên, Lộc đã từ chối để tập trung phát triển ngải cứu.

Còn anh thấy vui là vì có nhiều khách hàng đã dùng sản phẩm và đã gọi đến nhà sản xuất để cảm ơn. Họ cũng giới thiệu sản phẩm cho thêm nhiều người khác biết để dùng. Anh cũng vui vì có thêm những người cộng sự mới có kiến thức, có sự đam mê và cùng hướng đến xây dựng những giá trị tích cực cho cộng đồng.

Một trong số những cộng sự của anh là Nguyễn Ngọc Trịnh, sinh năm 1989, là tiến sĩ công nghệ sinh học từ Hàn Quốc về. Trịnh kể anh ôm ấp một giấc mơ giúp ích cho nền nông nghiệp nước nhà, nhưng giấc mơ lớn ấy chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Anh tham gia các hội thảo nông nghiệp rồi quen Lộc. Cảm được nhiệt huyết của Lộc, hiểu được những việc Lộc làm và những giá trị Lộc theo đuổi, Trịnh rời giảng đường để gắn kết với Lộc cùng xây mơ ước với TCS.

“Nền nông nghiệp của mình, khoan bàn đến công nghệ cao, chỉ cần làm đúng lại những cái đang làm sai là đã đủ để nâng tầm sản phẩm”, Trịnh chia sẻ. Cái làm sai mà Trịnh nói là về việc canh tác lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Việc anh làm bây giờ để sửa lại những cái sai là thông qua xây dựng vườn ươm cây giống để chuẩn bị cho việc mở rộng vùng nguyên liệu theo phương pháp canh tác tự nhiên. Bên cạnh đó, TCS còn nghiên cứu kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu cho nhiều dược chất mà không cần dùng đến phân bón hóa học.

Sau ngải cứu, công ty sẽ tìm kiếm để làm mới lại những cây dược liệu quý của đất nước. Đây là sứ mệnh mà Lộc và cộng sự theo đuổi. Sứ mệnh ấy được gói gọn ngay trong chính cái tên của công ty - TCS - viết tắt của ba từ: “tìm kiếm”, “chế tạo” và “sản xuất”, nhằm hướng đến phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Nguồn : TheSaigonTimes

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading