“Nhang trừ muỗi sinh học” từ lá quao được cấp bằng sáng chế
“Nhang trừ muỗi sinh học” là sáng chế của chị Ngô Song Đào (giáo viên Trường THCS Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền.
Theo đó, lần đầu tiên, lá cây quao nước - loại cây tự mọc rất nhiều ven các mương, sông, kênh, rạch vùng sông nước nông thôn được công nhận là thành phần chính, chiếm tỷ lệ chủ yếu của nhang trừ muỗi sinh học với 100% từ thiên nhiên, có công dụng đuổi muỗi hiệu quả.
Nhang thảo dược “2 trong 1”
Nhang trừ muỗi sinh học được chị Ngô Song Đào, người sáng lập Công ty TNHH SX-TM sản phẩm sạch Thiên Phúc, nghiên cứu sản xuất từ nhiều loại thực vật có tính chất thảo dược tại địa phương, trong đó thành phần chính là lá quao, vỏ quýt, vỏ cây bời lời… Hiện nhang được dùng làm nhang đốt ở bàn thờ thay thế nhang trên thị trường, vừa có công dụng xua muỗi trong nhà mỗi ngày nhưng không độc hại như các loại nhang được làm từ hóa chất trên thị trường.
Chị Đào cho biết, ý tưởng nghiên cứu đề tài nhang trừ muỗi sinh học từ một trăn trở của một người thầy đối với học sinh của mình. “Các em học sinh ở nông thôn phải sử dụng nhang xua muỗi để học bài, vậy đến hết năm 12, các em phải sử dụng và hít vào cơ thể bao nhiêu lượng chất độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc thắp nhang trên bàn thờ cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến người thắp nhang và cả những người trong gian nhà đó. Trăn trở đó thôi thúc mình là cần có một sản phẩm thay thế”, chị Đào cho hay.
Là một giáo viên dạy môn Sinh học, chị quan tâm những loài thực vật xung quanh. Cây quao nước là cây bản địa và theo kinh nghiệm của ông bà là đốt lá quao nước tạo khói để xua muỗi, hay xoa lên người để xua con bọ, diệt mạc gà. Năm 2016, chị nghiên cứu thành công và bắt đầu hướng dẫn học sinh về phương pháp nghiên cứu đề tài này. Nghiên cứu đã đoạt giải cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2016.
Năm 2017, chị tham gia và đoạt giải cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức với chủ đề “Khởi nghiệp nông nghiệp”. “Lúc này khuôn làm nhang còn bị lỗi, sản phẩm chưa hoàn chỉnh, nhìn còn thô lắm nhưng bù lại được ban giám khảo khích lệ dẫu sản phẩm không đạt giải cao thì cũng đừng bỏ ý tưởng. May mắn là sản phẩm đã lọt vào Top 10 đề tài xuất sắc nhất trong cả nước…”, chị kể.
Đến nay, sản phẩm của chị đã qua 16 lần được thay đổi công thức. Đặc điểm của loại nhang này là hương nhang được tạo thành từ lá quao và các loại thảo dược. Để có được mùi hương đặc trưng, chị phải làm đúng công thức, thành phần nguyên liệu đúng tỷ lệ. Vì nếu chỉ cần sai lệch tỷ lệ chút xíu sẽ tạo ra mùi hương khác. Chị đã nghiên cứu 7 mẫu với 7 công thức khác nhau để khách lựa chọn.
Quả ngọt khởi nghiệp
Trở về sau cuộc thi, chị tích cực lắng nghe đóng góp, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư mua sắm máy móc, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ xuyên suốt của đội ngũ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh. Chị nhớ: “Ham khởi nghiệp lắm nhưng lại không có tiền mua máy. Thời điểm này, mình còn mang lá quao đến tiệm thuốc bắc ở chợ Mỏ Cày Nam để nhờ xay dùm và đến các cơ sở xe nhang cách nhà 30 cây số để nhờ xe giúp. Cây nhang lúc này cây ngắn, cây dài, thân nhang cũng thô kệch lắm. Thấy vậy, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh kết nối hỗ trợ mình trên 30 triệu đồng để mua 1 cái máy xay nguyên liệu lá quao và 1 máy xe nhang”.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh còn tổ chức đoàn gồm các sở, ngành tỉnh liên quan đến khảo sát, nắm bắt tình hình, nguyện vọng của chị để định hướng và đề ra kế hoạch hỗ trợ như: hỗ trợ lên doanh nghiệp, kết nối nguồn vốn, xây dựng logo, nhãn hiệu, hướng dẫn quy trình đăng ký xây dựng tiêu chuẩn, đăng ký bảo hộ sản phẩm… Bản thân chị cũng rất tích cực tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn, các phiên chợ khởi nghiệp, các hội chợ để vừa giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường, vừa lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu thị trường.
Đến năm 2019, chị được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh kết nối nguồn vốn AMD (Dự án Phát triển đa dạng sinh kế và thích ứng biến đổi khí hậu) và được Dự án AMD tỉnh Bến Tre giải ngân trên 500 triệu đồng để xây dựng hoàn chỉnh nhà xưởng (đặt tại xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc), đầu tư các máy sản xuất tự động, trong đó trên 30 triệu đồng hỗ trợ tiền cây giống cho 50 hộ dân tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam tham gia dự án.
Góp phần cải thiện sinh kế cho phụ nữ
Chị Lữ Thị Tuyết Nhung - tổ trưởng tổ thu mua lá quao tại xã Thành Thới A chia sẻ: Hồi trước, cây quao nước ở đây nhiều lắm vì nó dễ sống, ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng người ta xem nó là cây tạp nên đốn bỏ. Đâu ngờ nó có những công dụng hữu ích như vậy. Phải chi dự án triển khai sớm thì người dân ở đây hái lá quao bán cũng có thêm thu nhập. Bây giờ, đi đâu tôi cũng tìm kiếm xem có cây quao nước không để lưu ý người dân chăm sóc, hái bán.
Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Hội Nông dân xã phối hợp phát động các chị em tham gia. Đây là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và chủ yếu là phụ nữ làm chủ hộ. Mỗi hộ được hỗ trợ tiền trồng 200 cây giống. Các hộ sử dụng đất ruộng, đất cặp sông rạch để trồng quao.
Hiện công ty giải quyết việc làm cho 4 chị làm nhang bán thời gian. Nhiều chị vẫn làm việc gia đình, buôn bán xong đến công ty để vô nhang (đếm số cây cho vào túi) vài tiếng mỗi buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Phụ nữ 60 - 80 tuổi vẫn có thể ngồi vô nhang, với tiền công nhận được 60 - 70 ngàn đồng/ngày.
---
Sản phẩm nhang trừ muỗi sinh học của chị Ngô Song Đào đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để tiếp tục phát triển sản phẩm, chị Ngô Song Đào hạ quyết tâm trong năm 2019 sẽ đầu tư thêm 2 cái máy nữa để tạo ra sản phẩm mẫu mã mới. Đồng thời, đẩy mạnh thâm nhập thị trường, tiếp cận khách hàng, mở rộng hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Nguồn : Báo Đồng Khởi
(0)
Bình luận