Uống cà phê kiểu Buôn Ma Thuột

Cà phê là đặc sản của cao nguyên Đắk Lắk với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng. Ở vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam, cà phê là một thứ đồ uống rất đỗi quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người.

Cách thưởng thức cà phê ở đây cũng mang một vẻ rất riêng rất chân chất mà cũng rất lãng mạn, thi vị và hiện đại.

Níu giữ truyền thống

Cuộc sống hiện đại khiến người ta ít có thời gian để thưởng thức cà phê theo kiểu truyền thống. Vì thế, cách uống cà phê pha sẵn đang dần thay thế những ly cà phê phin. Tuy nhiên, có những chủ quán cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột vẫn đang âm thầm níu giữ lại cách uống cà phê phin theo phương thức truyền thống với nguyên liệu sạch và không bị pha trộn.

Quán Bâng Khuâng (ở 176 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột) là quán cà phê lâu đời nhất ở TP. Buôn Ma Thuột, ra đời từ năm 1967. Hơn 40 năm tồn tại với dòng nhạc trữ tình xưa, quán vẫn thu hút nhiều người khách tri kỷ ghé thăm và thưởng thức cà phê sạch. Với nhiều người ở Buôn Ma Thuột, quán Bâng Khuâng như một kỷ niệm gắn bó với thời thanh niên, với cuộc đời mình và họ lui tới như để tìm  lại những ngày tháng cũ.

Cái tên “Bâng Khuâng” được chủ quán đặt theo tên gọi loài hoa Bâng Khuâng. Cà phê của Bâng Khuâng do chính chủ quán Bích Đàm và người thân trong nhà tự rang xay, pha chế. “Vào vụ thu hoạch cà phê, mình đến buôn Ako Dhong của TP. Buôn Ma Thuột và một số vùng cà phê nổi tiếng trong tỉnh chọn mua những loại cà phê ngon. Sau đó, đem về phơi và chế biến theo cách thủ công từ xưa đến nay. Quán cũng không hề trộn lẫn phụ gia vào cà phê vì muốn cho khách thưởng thức đúng vị cà phê”, chị Đàm nói.

Ngày trước, không gian quán Bâng Khuâng lớn gấp đôi bây giờ. Bác Hội - bố chị Đàm, chủ quán đầu tiên, kể: “Ngày ấy, không gian quán rộng lắm nhưng chỉ lợp mái tranh, ngồi ghế gỗ và trang trí thêm một số chậu lan. Khách tri kỷ đến quán lúc ấy chủ yếu nhạc sĩ, nhà văn, họa sĩ, nhiếp ảnh... Sau bao năm, bây giờ họ đã thành các ông lão như bác cả rồi nhưng lâu lâu vẫn đến quán uống cà phê”. Nhâm nhi ly cà phê đen theo cách uống truyền thống, bác Hội kể cho tôi nghe rất nhiều bước thăng trầm để giữ lại quán.

Sau khi những đứa con lần lượt lập gia đình, bác Hội đã giao lại quán cho cô con gái út là chị Đàm tiếp tục kinh doanh theo cách truyền thống. Chị Đàm tâm sự: “Mình thấy cà phê Buôn Ma Thuột rất nổi tiếng nhưng bây giờ du khách đến đây không biết loại nào là cà phê của Buôn Ma Thuột. Vì thế, mình muốn bán cà phê trực tiếp rang xay để giữ lại hương vị truyền thống và qua đó quảng bá cho cà phê Buôn Ma Thuột”.

Ngoài cà phê đặc trưng, chị Đàm còn làm món bánh Bâng Khuâng cho khách ăn tráng miệng khi ngồi nhâm nhi ly cà phê. Chị cũng đóng gói cà phê Bâng Khuâng để bán cho khách ở xa không có nhiều thời gian đến quán đưa về sử dụng. Có nhiều người đem về uống “bị ghiền”, họ lại điện nhờ chị gửi tiếp cà phê đóng gói. “Những lúc nhận được điện thoại nhờ gửi cà phê của những khách ở xa, mình rất vui vì biết họ thích cà phê của quán và nhớ tới quán”, chị Đàm chia sẻ. Quán cà phê Bâng Khuâng bây giờ đã đẹp hơn rất nhiều với âm nhạc, thức uống cũng phong phú hơn nhưng vẫn giữ được nhiều nét riêng khi xưa.

Đủ kiểu uống cà phê thế giới

Với bộ sưu tập hàng trăm dụng cụ pha chế cà phê được sưu tầm từ nhiều nước trên thế giới, Showroom cà phê An Thái (đường Lý Thái Tổ, TP. Buôn Ma Thuột) được xem như “bảo tàng” cà phê thu nhỏ. Những du khách, tín đồ cà phê trong nước và quốc tế mỗi lần đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, ghé thăm địa điểm này đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi tham quan các loại dụng cụ, máy pha cà phê độc đáo và trải nghiệm nhiều cách pha chế, thưởng thức cà phê khác nhau.

Chủ nhân của bộ sưu tập ấy là doanh nhân Nguyễn Xuân Lợi - Tổng Giám đốc Công ty Cà phê An Thái, người đã gắn bó với cà phê từ hàng chục năm nay. Anh chia sẻ muốn đưa sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa toàn cầu nên anh đã đến nhiều quốc gia trên thế giới để tìm hiểu, học hỏi về cách thưởng thức và pha chế cà phê. Mục đích ban đầu của anh là muốn tìm hiểu về thị hiếu của khách hàng quốc tế, về gu uống cà phê của từng quốc gia để phục vụ công việc kinh doanh. Trong mỗi chuyến công tác nước ngoài, những sản phẩm, dụng cụ về pha chế, thưởng thức cà phê từ khắp nơi được anh tìm mua và đem về trưng bày trong showroom của công ty và dần dần trở thành… bảo tàng về cà phê.

Khi chúng tôi đến đây lúc mới 7 giờ sáng, thế nhưng đã có mấy vị khách từ Hà Nội đến tham  quan “bảo tàng” cà phê anh Lợi. Sau khi mua mấy bịch cà phê đem về thủ đô làm quà, họ tranh thủ tham quan các “hiện vật” và tìm hiểu về cà phê qua “hướng dẫn viên” là anh nhân viên am tường về cà phê Việt Nam và thế giới. Tại tầng hai của “bảo tàng” có một máy pha cà phê lạ lẫm khiến nhiều người thích thú. Đó là sản phẩm được mua từ Hàn Quốc để pha cà phê bằng… đá lạnh (Cold Brew) - một phát minh của những những thủy thủ nghiền cà phê người Hà Lan.

Chuyện kể rằng, vào thế kỷ thứ 17, trong những chuyến đi biển kéo dài, để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu đốt, các thủy thủ đã pha cà phê rồi ngâm trong những bình chứa nước và cất dưới khoang tàu để dùng dần. Thời tiết lạnh, cà phê để lâu bị đông đá, khi uống họ  phải chờ nó tan ra. Thật bất ngờ, cà phê lạnh lại ngon hơn khiến họ thích thú. Theo những chuyến tàu, các thủy thủ Châu Âu đã đưa kiểu uống cà phê này đến Nhật Bản và phong cách Cold Brew dần dần được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới.

Cũng tại đây, khách còn được trải nghiệm kiểu cà phê cầu kỳ, tinh tế là pha bằng Syphon ra đời từ những năm 1870. Theo đó, cà phê được chiết xuất theo nguyên lý áp suất kết hợp bình chân không, dụng cụ pha chế gồm có bình cầu, phễu lọc, tấm lọc, bếp gia nhiệt. Cà phê hạt được xay mịn cho vào phễu lọc. Dưới tác dụng của nhiệt độ, nước trong bình cầu sẽ trào lên phễu lọc và chiết xuất cà phê. Sau khi chiết xuất xong thì cà phê sẽ chảy xuống lại bình cầu, lúc đó lấy ra để sử dụng.

Trên thế giới có 20 - 30 kiểu uống cà phê đang phổ biến, cùng một loại cà phê nhưng có thể cho ra những ly cà phê có mùi, vị khác nhau như: Cà phê phin Việt Nam, phin giấy của Nhật Bản, pha Syphon của Pháp, pha Drip của Mỹ, pha máy Espresso và bình Moka của Ý, pha cát của Thổ Nhĩ Kỳ... Tất cả đều được tái hiện sinh động trong showroom nhỏ này. Khách đến uống cà phê tại đây được hướng dẫn về lịch sử, đặc trưng của từng kiểu uống cà phê và tìm hiểu văn hóa cà phê. Có lẽ vì vậy mà có người đến đây đã nói rằng ở Buôn Ma Thuột có thể uống cà phê… khắp thế giới.

Anh Nguyễn Xuân Lợi cho biết có những vị khách nước ngoài đến đây uống cà phê chia sẻ họ có cảm giác như đang ở nước mình. Bộ sưu tập sản phẩm, dụng cụ về cà phê không chỉ là niềm vui của một người đam mê cà phê mà qua đó, anh cũng mong muốn cà phê Buôn Ma Thuột sẽ được nhiều người biết đến nhiều hơn ở trong nước và thế giới.

Nguồn : Tiền Phong

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading