Trào lưu hàng “nhà làm”

Dạo này ra đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những biển nhỏ giới thiệu các loại thực phẩm, đồ dùng mang danh “nhà làm”, như “sữa đậu nành nhà nấu”, “rau vườn nhà”, “thảm nhà làm”...

“Nhà” luôn là thứ gì đó mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc, yên bình và an toàn... nên cái gì thuộc về “nhà” (mang ý nghĩa gia đình) thì đều rất đáng tin cậy. Những mặt hàng “nhà làm” ấy thậm chí còn được khai thác hình tượng “mẹ nấu” để quảng cáo, bởi mẹ chính là hình ảnh tiêu biểu nhất của “nhà”, nên đồ nhà làm, nhà nấu gần như là do mẹ làm, mẹ nấu. Mẹ mà đã làm thứ gì cho gia đình thì nhất định đầy tâm huyết và tình cảm trong đó nên hãy cứ yên tâm chúng phải là đồ “sạch” - an toàn và chất lượng.

Giờ đây, hàng “nhà làm” được bán đầy ở ngoài đường và trong chừng mực nào đó chúng cũng có sự thu hút. Bởi vậy, sau một thời gian sản xuất công nghiệp, nhiều mặt hàng sản xuất theo phương thức “truyền thống” hoặc “gia truyền” lại có xu hướng hút hàng. Chẳng thế mà ở Hà Nội có những hàng người dài xếp hàng ở tiệm bánh trung thu gia truyền để mua cho bằng được một hộp bánh.

Tôi thì luôn tự hỏi những thứ “nhà làm” được bán rộng rãi ấy có đáng tin cậy? Thực ra, không ai chắc những món đồ đóng mác “nhà làm” đó có đúng là nhà làm không? Và dù chúng được làm tại nhà thì liệu chất lượng nguyên liệu có được đảm bảo, quy trình có an toàn? Và cũng không chắc người bán hàng có cho anh em, con cháu họ dùng loại đồ ăn thức uống “nhà làm” đó hay không?

Một người kể lại một câu chuyện xót xa khi anh đến chơi nhà người bạn, ra vườn rau ngắm nghía thì được nghe người bạn nói nhỏ với con gái là hái rau ở vạt rau còi, kém xanh tốt để nấu đãi khách. Khi nhìn thấy sự chứng kiến của khách thì anh ta buộc phải trần tình rằng vạt rau trồng để nhà ăn do ít xịt thuốc bón phân nên trông chúng còi cọc; còn rau trồng bán thì phải “bón” cho xanh tốt mới bán được! Người kể chuyện cho biết anh cảm thấy ngậm ngùi khi nghĩ biết đâu mớ rau xanh tốt kia lúc đem ra chợ cũng được đóng nhãn là “rau vườn” hay “rau nhà trồng”, rồi thì cũng có người tin sái cổ! Dĩ nhiên, người bán có những cách để người mua tin là thật, nhưng... chỉ có mua lầm chứ bán thì không lầm! Những cái từ “nhà làm”, “nhà nấu”, “vườn nhà” lắm khi chỉ lung linh bên tai mà thôi!

Vấn đề là có vẻ như có một nghịch lý nơi người mua. Họ muốn rất nhiều thứ khi chọn hàng: ngon về chất lượng, đẹp về hình thức, lại phải an toàn. Thường thì các yếu tố này khó đáp ứng đầy đủ trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật tiên tiến. Đó là chưa kể họ còn muốn rẻ dù thừa biết là “tiền nào thì của nấy”. Vì vậy, rau trồng theo chuẩn VietGAP, trái cây VietGAP hay GlobalGAP vẫn khó bán, phần vì giá cao, phần nữa do mức độ tin cậy của người tiêu dùng chưa cao. Điều này có lỗi từ cả hai phía. Trong khi một bộ phận người sản xuất, người bán vẫn làm ăn gian dối, trộn sản phẩm sạch và không sạch với nhau để bán giá cao thì một bộ phận người mua vẫn chuộng giá rẻ, không chú tâm tìm hiểu kỹ sản phẩm, chỉ tin hàng ngoại nhập...

Trong khi vẫn thiết tha mong người sản xuất, người buôn bán phải coi trọng đạo đức nghề nghiệp, giữ chữ tín thì việc làm người tiêu dùng thông minh, tuy khó, nhưng không phải là không làm được. Đó là cần phải chọn sản phẩm của những nơi uy tín; cần dành nhiều thời gian, nhiều sự quan tâm hơn và bằng nhiều giác quan để chọn món ngon, món sạch chứ không vội tin vào đồ “nhà làm”, “nhà nấu”. Thêm nữa, cần phải chấp nhận một mức giá nào đó - không thể là quá rẻ!

Nguồn : TBKTSG

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading