Nhà hàng, khách sạn "chê" hàng sạch?

Không ít trường hợp chủ hoặc ban giám đốc nhà hàng, khách sạn nhiệt tình hợp tác nhưng vào đến bếp thì bị chê và phải bật trở ra.

Tại hội thảo "Tiềm năng kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, thực phẩm an toàn tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch" (trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2019) diễn ra chiều 26-9, ông Nguyễn Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho hay sở này đã nỗ lực kết nối để doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm bán hàng vào nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Cần Thơ nhưng không thành công.

"Không rõ tại TP HCM có xảy ra tình trạng như thế không?" – ông Nguyễn Toại hỏi.

Trong khi lãnh đạo hầu hết nhà hàng, khách sạn đều khẳng định rất cần nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn để phục vụ khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách du lịch, nhưng thực tế, các đơn vị cung ứng đang gặp rất nhiều vướng mắc, không thể tiếp cận kênh mua hàng được đánh giá là tiềm năng này.

Ông Nguyễn Toại cho biết có trường hợp nhà hàng, khách sạn chỉ mua hàng vài lần để lấy các giấy tờ, chứng nhận chất lượng của bên cung cấp rồi giảm dần hoặc cắt đơn hàng; cũng có trường hợp bộ phận bếp của nhà hàng, khách sạn cố tình làm khó nhà cung cấp để đòi hoa hồng. Trường hợp đã bán được hàng thì gặp trở ngại là bên mua thanh toán chậm.

hàng tiêu dùng

"Họ ký hợp đồng nhưng chỉ mua hàng của nhà cung cấp có đầy đủ giấy tờ chứng minh xuất xứ, chất lượng hàng hóa vài lần rồi dùng giấy tờ đó để hợp thức hóa cho hàng hóa mua ngoài chợ về sử dụng. Thậm chí, có trường hợp DN cung cấp gạo cho nhà hàng, nửa tháng sau bộ phận bếp của nhà hàng thông báo gạo bị hư, yêu cầu đổi trả trong khi thực tế gạo hoàn toàn không bị vấn đề gì mà họ cố tình làm khó để đòi "bẻ cò"" – ông Toại ví dụ và cho biết khoảng cách cung cấp thực phẩm sạch giữa nhà cung cấp và các nhà hàng, khách sạn còn rất xa.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, thừa nhận có tình trạng như Sở Công Thương Cần Thơ phản ánh và đây là vấn đề đạo đức kinh doanh. Vì vậy, khi đi kiểm tra thực tế tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM chỉ kiểm tra trên hoá đơn chứ không kiểm tra trên hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho hay hiện TP HCM có khoảng 4.000 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó gần 150 khách sạn đã được thẩm định xếp hạng 3-5 sao; hàng ngàn cơ sở kinh doanh ẩm thực … nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Đặc biệt, để phục vụ khách du lịch, nhu cầu sản phẩm vùng miền bảo đảm chất lượng, nguồn cung ổn định là cần thiết.

"Để hạn chế tình trạng thực phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng bị làm khó khi kết nối tiêu thụ tại nhà hàng, khách sạn, bên cạnh công tác quản lý Nhà nước thì cần có sự kết nối chặt chẽ và giám sát sâu hơn giữa chủ DN và các đối tác để dần kiểm soát nguồn hàng đưa vào sử dụng trong các khách sạn" – bà Ánh Hoa đề xuất.

Các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP HCM cho biết đặc thù của nhà hàng, khách sạn là sử dụng rất nhiều mặt hàng rau củ quả, trái cây, gia vị... nhu cầu tiêu thụ từng mặt hàng rất khác nhau: có loại cần vài chục kg nhưng cũng có loại chỉ cấn 1-2 kg cho mỗi đơn hàng; điều này gây khó khăn cho các đối tác cung ứng.

Nguồn : Người lao động

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading