Gạo ngon còn tùy thị trường!

Sau sự việc ông Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” tại Philippines, câu chuyện vai trò của các viện nghiên cứu trong nâng cao chất lượng gạo Việt Nam đã được đặt ra.

Mới đây, tại Philippines, gạo ST 25 của Việt Nam đã giành được giải “Gạo ngon nhất thế giới” ở cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trader tổ chức. Tác giả của giống lúa ST 25 là nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, Nguyễn Thị Thu Hương và Tiến sĩ Trần Tấn Phương lai tạo. Trước đó, vào năm 2017, giống ST 24 cũng đã từng đạt giải ba gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi này.

Xa hơn, vào năm 2015, cũng tại cuộc thi trên, giống AGPPS 103 của tập đoàn Lộc Trời đã lọt vào top 3 “gạo ngon nhất thế giới”, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top những quốc gia có gạo ngon của thế giới.

Để đạt được danh hiệu như vậy, sản phẩm của các quốc gia tham dự phải thỏa mãn những yêu cầu được ban tổ chức đặt ra; sản phẩm được bình chọn, đánh giá và công nhận bởi các đầu bếp danh tiếng trên thế giới, cả về cảm quan hạt gạo lẫn độ thơm ngon của cơm khi nấu lên.

Nếu nhìn vào những kết quả như trên, người ta cảm nhận khu vực tư nhân và những cá nhân nhà khoa học đang là thành phần chiếm ưu thế trong “ghi dấu ấn” chất lượng gạo Việt Nam, chưa thấy vai trò của các viện nghiên cứu như thế nào.

Khuynh hướng chọn giống lúa

Ông Lê Văn Bảnh, cựu Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo giống lúa - khi trao đổi với TBKTSG nói rằng giống lúa ST 25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” là rất đáng hoan nghênh và đáng ghi nhận. Nhưng theo ông, “gạo ngon nhất thế giới không đồng nghĩa ai cũng thích”.

Phân tích nhận định này, ông Bảnh cho rằng thị hiếu của mỗi người, mỗi khu vực là khác nhau, nên tiêu chí đánh giá ngon cũng phụ thuộc vào đó. “Ví dụ, vùng Đông Bắc Á họ thích ăn gạo Japonica, tức gạo cho cơm dẻo, có hạt tròn. Còn Trung Đông, với người Hồi giáo, họ thích gạo xốp, dễ dàng ăn bằng tay. Trong khi đó, ở khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, họ lại thích ăn gạo thơm”, ông dẫn chứng để nói rằng gạo được đánh giá ngon tùy theo phân khúc thị trường.

Do xuất phát từ sở thích, khẩu vị của từng phân khúc thị trường khác nhau, nên theo ông Bảnh, việc nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa của các viện nghiên cứu cũng phải theo xu hướng đó, đáp ứng đúng nhu cầu từng phân khúc thị trường. “Chủ trương nghiên cứu của mình trước nay là sản xuất ra loại gạo có phân khúc thị trường lớn, phổ rộng, cho người nông dân dễ áp dụng sản xuất”, ông cho biết các giống lúa OM - giống do Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, lai tạo - chiếm diện tích sản xuất rất lớn, lên đến 60-70%, thậm chí có lúc lên 80% diện tích sản xuất của toàn vùng ĐBSCL.

Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc tập đoàn Lộc Trời, cho biết các viện nghiên cứu cũng tạo ra được những giống lúa tốt, đặc biệt là Viện Lúa ĐBSCL đã tạo ra được nhiều giống lúa có chất lượng rất cao. “Ví dụ, giống OM 5451, OM 6976 là hai giống của PGS.TS. Trần Thị Cúc Hòa năm 2016 đạt giải thưởng quốc gia về khoa học công nghệ (giải thưởng 5 năm xét một lần) duy nhất trong toàn ngành nông nghiệp”, ông Chín dẫn chứng. Giải thích về việc các viện nghiên cứu chưa có giải quốc tế, ông cho rằng do các đơn vị nhà nước không quan tâm lắm chuyện gửi mẫu đi thi, chứ không phải không có những giống tốt, ngon.

giống lúa ST25

Theo ông Bảnh, các trường hay Viện Lúa ĐBSCL hoàn toàn có thể tạo ra được những loại gạo thơm, có chất lượng ngon, nhưng điều này đòi hỏi phải có thời gian. “Như để có được giống ST 25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới thì anh Cua phải tuyển chọn trong 20 năm, trong khi các đề tài của viện chỉ khoảng 2-2,5 năm. Muốn có như dạng đó thì phải đặt hàng và có nghiên cứu dài hơi”, ông nói và một lần nữa nhấn mạnh do định hướng của viện là sản xuất các giống lúa có phổ rộng, tập trung vào phân khúc thị trường lớn, nên không chú trọng vào giải thưởng.

Điều kiện để thương mại hóa giống lúa

Vấn đề hiện được nhiều người quan tâm lúc này là cần những điều kiện gì để thương mại hóa giống lúa (ST 25) sản xuất ra “gạo ngon nhất thế giới” thành công. Theo ông Chín, do giống ST 25 chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nên vấn đề cần làm là phải nộp hồ sơ xin công nhận là giống chính thức. Tuy nhiên, để được công nhận là giống chính thức thì giống lúa đó phải qua khảo nghiệm quốc gia nhiều vụ, nhiều năm, ở nhiều địa điểm khác nhau và phải theo quy trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Còn theo ông Hồ Quang Cua, trong bối cảnh thuận lợi thì cũng phải mất khoảng bốn năm mới đủ điều kiện để xin công nhận sản xuất thử. Tuy nhiên, ông Cua cho rằng cấp bộ vẫn có thể đặc cách công nhận giống của ông mà không cần phải trải qua quy trình như nêu trên. “Trước đó, vào các năm 2001, 2013 và 2017, ba giống lúa của tôi đã ba lần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc cách công nhận để thương mại hóa rồi”, ông cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông Chín, sau khi giống lúa đã được công nhận chính thức, việc thương mại hóa nên để cho những đơn vị là doanh nghiệp có chuyên môn trong lĩnh vực này đảm nhận sẽ hiệu quả hơn.

Mặt khác, việc đưa ra thị trường thành công hay không còn phụ thuộc vào sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với loại gạo đó. Khi người tiêu dùng có nhu cầu, sẽ thúc đẩy gia tăng sản lượng, như vậy sẽ kéo theo việc sản xuất, kinh doanh giống lúa được thuận lợi hơn.

Nguồn : TBKTSG

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading