Gạo thơm Việt Nam chuẩn bị “hất cẳng” gạo thơm ngoại

Trong 10 tháng năm 2018, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 5,2 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỉ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị.

Gạo thơm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường

Theo Bộ NNPTNT, trong 5 năm qua, để nâng cao chất lượng gạo, giữa nhà khoa học, nhà XK và nhà nông đã hình thành chuỗi sản xuất khá bài bản của nghề trồng lúa và XK gạo Việt Nam. Không chỉ liên kết với nông dân trồng lúa theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Điển hình là nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Gentraco… đã đầu tư các giống lúa thơm, chất lượng cao, gắn với bao tiêu cho nông dân.

Mới đây, tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 do Bộ Công thương phối hợp với tạp chí The Rice Trader tổ chức, nhiều ý kiến nhận định: Sản phẩm gạo trắng, gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam XK ra thế giới không ngừng gia tăng về số lượng và đạt giá trị cao. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.

Để mở rộng thị trường, XK được gạo Việt Nam đến các quốc gia có hàng rào kỹ thuật cao, Chính phủ cũng như ngành lúa gạo đều xác định mục tiêu giữ vững, ổn định chất lượng, không chạy theo số lượng nhằm tăng giá trị XK.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện giá gạo XK của ta đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50–100 USD/tấn. Từ những kết quả này, ngành lúa gạo Việt Nam kỳ vọng sẽ vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế một cách bền vững, ổn định.

Được biết, trong 10 tháng năm 2018, châu Á vẫn là thị trường XK gạo chính của Việt Nam, chiếm hơn 60%; tiếp đến là thị trường châu Phi: 22%, châu Mỹ: 8%, châu Âu: 5%, khu vực khác: 5%.

Trong thời gian qua, bộ NNPTNT, Công thương đã chú trọng công tác mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng lúa gạo đã đưa gạo Việt Nam tiếp cận với những thị trường mới, đồng thời gia tăng số lượng XK tại một số nước như Indonesia, Trung Đông và châu Phi. Nhiều loại gạo thơm của Việt Nam đã XK được đến các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore…

Để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT sẽ đẩy mạnh xúc tiến đến các thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á; tiếp đó là khu vực thị trường châu Âu, Nga...

Theo mục tiêu của ngành lúa gạo, đến năm 2030, kim ngạch XK gạo sang thị trường châu Á chiếm khoảng 50%, châu Phi: 25%, châu Mỹ: 10%, châu Âu: 6% và khu vực khác: 9%...

Nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay diện tích trồng gạo thơm còn hạn chế. Do ít các cánh đồng mẫu lớn, nông dân nước ta lại trồng nhiều loại gạo thơm khác nhau, nên khá gặp lúng túng khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với số lượng lớn.

Để đủ số lượng gạo XK, nhiều doanh nghiệp phải mua gom từ nhiều mối, dẫn đến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt.

Để khắc phục điều này, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh XK gạo và một chiến lược riêng về phát triển thị trường XK gạo. Trong đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo XK, tham gia sâu vào giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Sản xuất, XK gạo của Việt Nam chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Nguồn : Lao động

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading