Liên tục sáp nhập, cuộc chơi giao nhận có chuyển biến mới?

Một công ty giao nhận 5 năm tuổi mới đây liên tiếp sáp nhập các công ty khác cùng lĩnh vực. "Miếng bánh" thị trường giao nhận cho thương mại điện tử mở rộng đáng kể khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên nhưng mức cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn.

Mới đây, Công ty Tín Tốc vừa công bố mua lại Công ty cổ phần Đầu tư và Giao nhận SGDS, được biết đến với thương hiệu “Tốc hành”. Các bên liên quan đều không tiết lộ giá trị thương vụ.

Cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa, thu hộ tiền cho cá nhân, doanh nghiệp bán hàng dưới hình thức thương mại điện tử.

Tại thời điểm sáp nhập, SGDS có hơn 7 năm hoạt động trong lĩnh vực giao hàng nội thành tại TPHCM. Trong khi đó, Tín Tốc thành lập năm 2014, là công ty giao hàng hoạt động theo mô hình Sameday Delivery, hay còn gọi là giao hàng trong ngày và thu tiền hộ (COD).

Khác với các công ty giao nhận lớn như Giao Hàng Nhanh hay Bưu điện, Viettel trải rộng ở nhiều địa phương, Tín Tốc hiện tập trung vào một vị trí địa lý cụ thể.

giao nhận Tín Tốc

Đây cũng là thương vụ sáp nhập thứ 3 của Tín Tốc trong vòng 3 năm qua. Trước đó vào năm 2017 và 2019, Tín Tốc lần lượt sáp nhập 2 đơn vị trong cùng lĩnh vực là ANZShip và Dingdong Delivery. Hiện cả 3 hoạt động dưới thương hiệu Tín Tốc và có khả năng xử lý trung bình 9.000 đơn hàng mỗi ngày, phục vụ hơn 2.000 khách hàng, chủ yếu là các shop kinh doanh trực tuyến.

Hơn 4 năm qua, Tín Tốc tập trung phục vụ chính tại TPHCM, hiện đang dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử (86,8 điểm), theo báo cáo Thương Mại điện tử 2019 được Hiệp hội Thương Mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố.

Tuy nhiên, trong thời gian tới Tín Tốc sẽ mở rộng hoạt động tại hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Hai khu vực này hiện xếp thứ 5 và 7 trên bảng xếp hạng, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đồng sáng lập công ty cho biết.

Về kế hoạch dài hạn, bà Nhung cho biết Tín Tốc sẽ định hướng phát triển các giải pháp “one-stop-services” (tạm dịch: một điểm đến cung cấp đủ dịch vụ)

Theo VECOM, chỉ số đánh giá chi phí vận chuyển đã có những cải thiện tích cực trong các năm qua. Theo đó, chỉ số chi phí vận chuyển, giao nhận mặc dù vẫn còn cao nhưng đang nằm trong xu hướng giảm.

Dù vậy, mảng giao nhận tại Việt Nam còn khá mới mẻ và là một trong những trở ngại lớn cho việc phát triển thương mại điện tử, với chi phí lưu kho và quản lý kho còn cao, tỷ lệ hàng bị trả lại còn cao cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam đạt 8,06 tỉ đô la trong năm 2018, tăng 30% so với năm 2017, trong đó các giao dịch giao nhận trả tiền mặt chiếm khoảng 80% trên tổng giao dịch mua bán.

Hiện nay, nhu cầu giao nhận cũng đang tăng lên bởi các hoạt động mua sắm trực tuyến đang được khuyến khích trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Nguồn : TBKTSG

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading