'Thương' cho thương hiệu Việt

Chuyện Công ty cổ phần Vinamit (Việt Nam), chuyên sản xuất các sản phẩm hoa quả sấy khô do "quên" đăng ký thương hiệu quốc tế cho nên bị đối tác phân phối cũ tại Trung Quốc "nhanh tay" đăng ký bảo hộ thương hiệu "Ðức Thành" của mình tại Trung Quốc từng là bài học đắt giá với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Vinamit đã phải tốn hàng trăm nghìn USD, thuê luật sư và ròng rã trong suốt bốn năm theo đuổi vụ kiện tại ba phiên tòa khác nhau mới chính thức đòi lại bản quyền thương hiệu cho mình. Sau vụ việc đó, Vinamit mới "cuống cuồng" thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại những thị trường xuất khẩu lớn.

Không chỉ riêng Vinamit, thời gian qua, hàng loạt thương hiệu của Việt Nam xuất hiện tại thị trường nước ngoài đã bị "đánh cắp", làm nhái hoặc đăng ký độc quyền nhãn hiệu ở nước ngoài từ kẹo dừa Bến Tre, cà-phê Trung Nguyên, mì ăn liền Vifon, nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết. Các DN sau đó đã phải hết sức vất vả, tốn kém nhiều tiền của mới đòi lại được thương hiệu.

Ðiều này đã nói lên thực trạng, thương hiệu hàng hóa trong nước đang bộc lộ những bất cập lớn, lép vế trước các thương hiệu nước ngoài ngay trên "sân nhà". Trong thời buổi hội nhập sâu với kinh tế thế giới, song nhiều DN Việt Nam rất thờ ơ, nhận thức chưa đầy đủ giá trị thương hiệu khi không đăng ký bản quyền. Chính sự "vô danh" này đã khiến hàng hóa của nước ta kém sức cạnh tranh tại những thị trường lớn, thiệt thòi về giá cả.

Những sản phẩm hàng hóa nổi tiếng bị nhái thương hiệu, khiến khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài không thể phân biệt được đâu là sản phẩm thật, giả. Các DN trong nước chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường thế giới, cho nên bị một số đối tượng đăng ký trước các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam dưới tên sở hữu của mình.

Việc xây dựng thương hiệu đã khó, đòi lại các thương hiệu đã mất còn khó khăn hơn nhiều. Mất thương hiệu đồng nghĩa với việc mất thị trường, khi đó hàng thật biến thành hàng giả vì nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ bởi một đơn vị khác. Về lâu dài, việc này còn ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của quốc gia. Vì vậy, để một thương hiệu Việt vươn đến đỉnh cao, là niềm tự hào quốc gia, hơn lúc nào hết, các DN Việt Nam không thể lơ là việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và phải quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Ðừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Nguồn : Nhân Dân

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading