Lúng túng ghi nhãn "hàng Việt" hay "hàng sản xuất tại Việt Nam"

Doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn cụ thể trường hợp nào ghi nhãn sản phẩm sản xuất, chế tạo, chế tác tại Việt Nam, trường hợp nào là hàng hóa của Việt Nam

Tại hội thảo góp ý dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết theo dự thảo, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền thể hiện hoặc không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn. Tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến... mà tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam, gồm: sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo, sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất…

Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng Phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP HCM, đề nghị xem xét tác động thực tế của thông tư với từng ngành nghề, lĩnh vực để không làm cản trở tính cạnh tranh của hàng hóa. Ngoài ra, tránh đưa ra thông tư một cách vội vàng trước áp lực dư luận, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) và nền sản xuất.

Đại diện Intel Việt Nam chia sẻ 100% hàng hóa của DN này là xuất khẩu nhưng có những trường hợp nhà phân phối tại Việt Nam nhập ngược trở lại tiêu thụ trong nước. Trong trường hợp đó, hàng hóa có chịu sự điều chỉnh của thông tư hay không? "Intel đầu tư sản xuất, công nghệ và con người ở Việt Nam rất lớn. Cơ sở sản xuất cuối cùng đặt ở Việt Nam và đã vượt qua tiêu chí sản xuất đơn giản. Tuy thế, chúng tôi vẫn không đáp ứng được 2 tiêu chí hàng Việt của thông tư này do tỉ lệ xuất xứ dưới 30% và không đạt tiêu chuẩn chuyển đổi HS. Vì toàn bộ hàng hóa hoàn tất công đoạn cuối cùng ở Việt Nam, khi xuất ra nước ngoài chúng tôi đều ghi xuất xứ Việt Nam và chưa bao giờ bị các nước thắc mắc. Thông tư này ra đời khiến chúng tôi rất băn khoăn liệu ghi như vậy có đúng hay không?" - đại diện Intel nêu ý kiến.

Phản hồi, ông Trần Thanh Hải cho hay khi hàng hóa của Intel nhập về Việt Nam, muốn dán nhãn thì cần phải chứng minh xuất xứ. Trả lời câu hỏi của một số DN thắc mắc Nghị định 43 quy định xuất xứ hàng hóa là thông tin phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, còn dự thảo thông tư này lại quy định tổ chức cá nhân sản xuất hàng hóa trên thị trường có quyền thể hiện hoặc không thể hiện nội dung này, ông Hải cho rằng trong trường hợp DN có nhu cầu dán nhãn, cần kết hợp Nghị định 43 và thông tư này để thể hiện. Trường hợp không có nhu cầu ghi nhãn sẽ cần thêm quy định hướng dẫn cụ thể. "Thông tư có nội dung rộng và dán nhãn chỉ là phương thức thể hiện nội dung. Sau khi xác định hàng hóa Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam thì mới tính đến dán nhãn" - ông Hải nói thêm.

Với đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm là hàng hóa của Việt Nam, hay chế tạo, chế tác tại Việt Nam, ông Trần Thanh Hải tiếp thu ý kiến để hoàn thiện thêm dự thảo.

Nguồn : Người lao động

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading