Khốc liệt cuộc chiến giao thức ăn tận nhà

Cơ hội sẽ đến với một công ty có ngân sách dồi dào và đông người sử dụng nhưng chi phí hoạt động quá cao trở thành rào cản cho doanh nghiệp mới muốn chen chân vào thị trường.

Anh Thomas Chen, một cư dân ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), thừa nhận không thể nhớ lần cuối cùng anh đích thân rời khỏi căn hộ để mua một bữa ăn mang về là khi nào. Cũng như nhiều người khác đang sống tại đô thị đông đúc này, anh Chen đã quen với tất cả những tiện nghi hiện đại có thể truy cập được bằng chiếc điện thoại thông minh: Những gợi ý về món ăn từ nền tảng nội địa Meituan Dianping, dịch vụ giao thức ăn thông qua ứng dụng Meituan Waimai và thanh toán bằng WeChat Pay. “Thật tiện lợi khi tôi không cần phải bước ra khỏi cửa để có được bữa ăn”, người thanh niên 27 tuổi làm việc trong ngành dịch vụ pháp lý này nhận định.

Nhân viên của Meituan chuẩn bị giao thức ăn ở thành phố Tế Nam (Trung Quốc).

Tranh giành người sử dụng

Những khách hàng như Chen là lý do quan trọng khiến tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của nước này xúc tiến kế hoạch mua công ty Ele.me để mở rộng hoạt động trong dịch vụ giao nhận thức ăn. Theo các nhà phân tích, thương vụ này sẽ cho phép Alibaba điều hành mạng lưới phân phối của riêng mình để hỗ trợ chiến lược hợp nhất thương mại điện tử với bán lẻ truyền thống. Những thông tin mới đây cho biết Alibaba đã đề nghị mua toàn bộ số cổ phần còn lại mà họ không sở hữu tại Ele.me (có trụ sở ở thành phố Thượng Hải) với giá 9,5 tỉ đô la. Nếu được hoàn tất, vụ thỏa thuận này sẽ giúp việc cạnh tranh giữa Alibaba và đối thủ Tencent thêm khốc liệt trong những dịch vụ từ trực tuyến-đến-ngoại tuyến và thanh toán di động tại địa phương.

 Sức ép còn có thể đến từ một cái tên mới gia nhập ngành giao nhận thức ăn tại Trung Quốc: Công ty Didi Chuxing – nhà cung cấp dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng lớn nhất nước, đang cho đăng quảng cáo tuyển người giao nhận ở một số thành phố đại lục. Với động thái này, Didi đang đi theo con đường của Uber sau khi mua lại toàn bộ mảng kinh doanh gọi xe bằng ứng dụng tại Trung Quốc của đối thủ này vào năm 2016. Uber đã thành lập một mạng lưới tài xế rộng lớn trước khi tung ra dịch vụ giao nhận thức ăn theo yêu cầu Uber Eats.

Với một loạt dịch vụ giúp cuộc sống của người sử dụng trở nên tiện lợi hơn, Alibaba, Tencent và Didi cũng sẽ thu thập được nhiều dữ liệu khách hàng hơn. Chẳng hạn như nền tảng giao nhận thức ăn có thể cung cấp thông tin chuyên sâu về khả năng chi trả, sở thích ăn uống và hồ sơ thanh toán của người tiêu dùng. “Không chỉ là sự cạnh tranh đơn thuần của Meituan, Ele.me và Didi trong thị trường giao nhận thực phẩm, đây còn là cuộc đua tranh giành người sử dụng mới và dẫn dắt họ vào những dịch vụ khác bên trong hệ sinh thái”, ông Neil Wang, chuyên gia tại công ty tư vấn Frost & Sullivan (Mỹ), nhận định.

Với Alibaba, việc mua lại được Ele.me sẽ khiến tập đoàn bán lẻ này như “hổ mọc thêm cánh” khi bổ sung hệ thống giao nhanh thức ăn lớn nhất Trung Quốc với đội ngũ hơn 3 triệu người giao nhận và một mô hình hoạt động tiên tiến. Khi đó, theo Alibaba sẽ có thể mang đến cho các cửa hàng tạp hóa hoặc những lĩnh vực kinh doanh ngoại tuyến khác khả năng giao hàng hóa nhanh, hiệu quả và tốn ít chi phí hơn. Bà Karen Chan, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ), cho rằng phạm vi “phủ sóng” của Ele.me – hơn 1.500 quận, huyện tại Trung Quốc – sẽ giúp ích cho dịch vụ giao hàng trong 30 phút của cửa hàng tạp hóa trực tuyến Tmall Supermarket của Alibaba.

Cũng được hưởng lợi nhiều là dịch vụ thanh toán Alipay, được hơn 520 triệu người sử dụng tính đến cuối năm ngoái, bởi nó là phương thức được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực giao thức ăn. Theo bà Chan, điều quan trọng là Alibaba thu hút thêm khách hàng thông qua những dịch vụ khác nhau, cũng như thúc đẩy số lượng giao dịch thông qua Alipay.

Cái giá của sự tiện lợi

Dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến hoạt động thông qua ứng dụng, theo đó giúp liệt kê danh sách những nơi bán thức ăn gần vị trí người sử dụng và cho phép họ tìm kiếm những nhà hàng cụ thể nào đó không có tên trong danh sách. Ứng dụng còn hiển thị vị trí của người giao và cho phép đánh giá thức ăn, dịch vụ. Người sử dụng có thể thanh toán tiền ăn ngay khi đặt thức ăn trực tuyến hoặc bằng thẻ tín dụng.

Theo thống kê, 256 triệu người ở Trung Quốc sử dụng dịch vụ này trong năm 2016 và con số này dự kiến tăng lên 346 triệu năm nay. Những dịch vụ loại này hiện có mặt tại 1.300 thành phố khắp quốc gia đông dân nhất thế giới và được dự báo đạt giá trị 37 tỉ đô la năm nay. Không như những lĩnh vực kinh doanh trực tuyến khác, thị trường này hiện chịu sự thống trị của chỉ hai cái tên Meituan Dianping và Ele.me. Vào tháng 8-2017, một tên tuổi khác là Baidu Waimai, được hậu thuẫn bởi hãng công nghệ Baidu, đã được bán cho Ele.me sau khi kinh doanh không thành công và bị tụt lại phía sau về mặt thị phần. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng giới truyền thông cho hay số tiền vào khoảng 500 triệu đô la – Baidu tự định giá Baidu Waimai 2,5 tỉ đô la vào năm 2016.

Sự thất bại nói trên không chỉ nêu bật sự cạnh tranh gay gắt của lĩnh vực mà còn cho thấy sự thống trị của hai công ty trên sẽ còn kéo dài. Bản thống kê của công ty Trustdata (Trung Quốc) cho thấy Meituan Waimai và Ele.me lần lượt chiếm 45,2% và 36,2% thị trường (tính theo giá trị giao dịch) trong sáu tháng đầu năm 2017.

Theo giới chuyên gia, cơ hội sẽ đến với một công ty có ngân sách dồi dào và đông người sử dụng nhưng chi phí hoạt động quá cao trở thành rào cản cho doanh nghiệp mới muốn chen chân vào thị trường.

Một số nhà phân tích cho rằng với vị thế thống trị hiện nay, hai công ty nói trên sắp tới sẽ tập trung mở rộng sang những thành phố nhỏ hơn, nơi có tiềm năng tăng trưởng cao hơn, cũng như tìm cách cung cấp dịch vụ vào những lúc không phải là khung giờ ăn cao điểm. Họ cũng có thể cân nhắc giao thêm cả những sản phẩm khác, như bánh ngọt, hoa, hàng hóa siêu thị và thuốc men. Tóm lại, sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai công ty chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Ngay cả khi chưa có công ty nào kiếm được lợi nhuận, mối đe dọa nhằm vào họ là không nhiều, nhất là khi lĩnh vực này đòi hỏi nhiều tiền bạc và nhân lực. Một số dịch vụ nước ngoài, như Uber Eats, Delivery.com (Mỹ), Foodpanda (Đức), Deliveroo (Anh)… dù xuất hiện tại Hồng Kông nhưng không dễ để họ thâm nhập vào thị trường đại lục và cạnh tranh được với  Ele.me và Meituan.

Cần phải nói rõ rằng sự tiện lợi mà người tiêu dùng đang tận hưởng từ những dịch vụ nói trên đều có cái giá của nó. Đáng chú ý là những thông tin cá nhân, thông tin về thói quen của người sử dụng sẽ thuộc về tay các công ty công nghệ trong khi các thương nhân phụ thuộc vào hệ sinh thái công nghệ ngay cả khi được hưởng lợi từ chúng. Theo một số chuyên gia, việc công ty công nghệ nắm càng nhiều dữ liệu của người tiêu dùng sẽ giúp thương nhân và nhà quảng cáo biết nhiều hơn về họ, từ đó gửi đến họ quảng cáo phù hợp hơn, hứa hẹn mang lại nhiều doanh thu hơn. “Những công ty như Alibaba, Tencent có hệ sinh thái hoàn chỉnh và họ có thể biết rõ người sử dụng đang làm gì, như giao tiếp với bạn bè, gọi taxi, thuê xe đạp hoặc thanh toán hóa đơn”, ông Shaun Rein, một nhà quản lý tại công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group (Trung Quốc), cảnh báo.

Tăng trưởng mạnh

Sự ưa thích ẩm thực của người dân Bangkok (Thái Lan) đang lan sang ứng dụng giao thức ăn khi Foodpanda dự báo cuộc cạnh tranh trong năm nay sẽ thêm phần quyết liệt. Foodpanda, Line Man (của công ty Line Corp ở Nhật Bản) và Uber Eats đang sử dụng những hình thức khuyến mãi, như giao thức ăn miễn phí hoặc giảm giá, để thu hút thêm khách hàng tại thị trường bị xem là vẫn chưa phát triển so với Hồng Kông hoặc Singapore.

Thị trường đặt thức ăn trực tuyến tại châu Á – Thái Bình Dương ước tính có giá trị 87,5 tỉ đô la năm nay và tốc độ tăng trưởng 80% - theo công ty nghiên cứu Euromonitor International. Trong số này, thị trường ở Thái Lan dự kiến đạt mức 1 tỉ đô la năm 2018, cao hơn gấp đôi so với năm 2014. Dẫn đầu về doanh thu tại quốc gia Đông Nam Á này là Foodpanda, công ty dự báo số lượng chuyến giao thức ăn sẽ tăng gấp đôi lên 16.000 chuyến mỗi ngày trong năm nay.

Đi vào hoạt động ở Bangkok từ năm 2012, Foodpanda hiện đối mặt với các đối thủ như Uber Eats, Grab, Now (dịch vụ của Foody Corp, có trụ sở ở Việt Nam). Ông Alexander Felde, Giám đốc điều hành chi nhánh Foodpanda tại Thái Lan, dự báo sự cạnh tranh sẽ ngày một gay gắt. Hai đối thủ Go-Jek và Deliveroo có nhiều khả năng nhảy vào Bangkok trong năm nay. Một viễn cảnh như thế báo hiệu cuộc chiến tranh giành khách hàng sắp tới sẽ rất tốn kém và khó tránh chuyện sáp nhập như trong lĩnh vực gọi xe bằng ứng dụng khi những đối thủ nhỏ hơn không chịu nổi sự cạnh tranh khốc liệt này.

Nguồn : TheSaigonTimes

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading