Startup Việt chật vật gọi vốn đầu tư

Mặc dù Việt Nam được đánh giá cao về phong trào khởi nghiệp, nhưng trên thực tế phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, đặt biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chưa có được những mục tiêu và dự án phát triển rõ ràng, hoạt động chưa chuyên nghiệp nên gặp vô vàn khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư.

Ở diễn đàn về kết nối startup Việt trong và ngoài nước do Bộ Ngoại giao và UBND TPHCM phối hợp tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp cho rằng những doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có năng lực, ý tưởng kinh doanh tốt vẫn không gọi được vốn và đây là một trong những khó khăn chính của các doanh nghiệp này.

Những sự thách thức

Bà Thạch Lê Anh, nhà đồng sáng lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley (VSVA), giải thích tại diễn đàn rằng một trong những lý do là số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam hoặc có đại diện ở thị trường Việt Nam khá ít. Điều này ảnh hưởng đến việc kêu gọi vốn đầu tư của các startup.

Theo trang tin công nghệ TechInAsia, trong năm 2016, các startup ở khu vực Đông Nam Á thu hút tổng số vốn đầu tư lên đến 2,6 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, cộng đồng startup Việt Nam chỉ có được số vốn gọi dưới 100 triệu đô la, trong khi con số này ở Singapore là 1,4 tỉ đô la, Indonesia là 967 triệu đô la. Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã đưa ra một bức tranh tích cực hơn khi cho biết số lượng và quy mô thương vụ đầu tư cho startup đang tăng lên. Nếu như năm 2016 chỉ có khoảng 50 thương vụ và gọi được 205 triệu đô la thì tới năm 2017 đã có 92 thương vụ với tổng số vốn gọi được 291 triệu đô la. Tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Riêng tại TPHCM, bản báo cáo của Sở Khoa học Công nghệ cho thấy, trong vòng hai năm qua thành phố ghi nhận hơn 760 doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển sản phẩm. Cộng đồng startup ở TPHCM được đánh giá phát triển mạnh hơn so với các tỉnh thành khác. Các startup tập trung vào những lĩnh vực như công nghệ thông tin-truyền thông (ICT), nông nghiệp, giáo dục… Hầu hết các doanh nghiệp này chỉ mới thành lập trên dưới một năm, vẫn đang ở trong giai đoạn đánh giá thị trường, số startup mở rộng hoạt động kinh doanh còn khá hạn chế. Số doanh khởi nghiệp có mức đầu tư ban đầu dưới một tỉ đồng chiếm gần 60% tổng số startup và nhiều startup đang tìm kiếm nhà đầu tư.

Theo sự nhận định từ người đại diện Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, thành phố có không ít dự án khởi nghiệp tiềm năng nhưng nhiều startup phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài. Theo sự khảo sát không chính thức từ một số nhà đầu tư thì số startup nhận được tiền đầu tư từ nước ngoài chiếm 60%.

Các chuyên gia cho rằng tổng vốn đầu tư vào các startup của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và có rất ít doanh nghiệp thu hút được vốn đầu tư vài chục triệu đô la. Số lượng startup được mua bán, sáp nhập (M&A) không nhiều và startup phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) thì gần như không có. Trong khi riêng trong năm 2017, startup của các nước trong khu vực ASEAN thu hút được 7,86 tỉ đô la.

Những người trong cuộc đã chỉ ra việc tiếp cận vốn là điều khó khăn lớn nhất mà các startup đổi mới sáng tạo trong nước gặp phải. Các startup thành lập rồi gần như tự bơi bằng nguồn vốn tự có hoặc vay của người thân, và việc tiếp cận vốn ngân hàng thì vô cùng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian ngắn thành lập đã phải rời khỏi thị trường cùng với những khoản nợ lớn. Một thành viên của Ban tổ chức ngày hội đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV) Demo Day 2016 chia sẻ rằng gần như các startup trong ngày hội này đều không thành công. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh là chưa đủ, Nhà nước cần phải giúp xây dựng một hệ sinh thái đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đó.

Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, một số chuyên gia tư vấn đã chia sẻ trong diễn đàn nói trên rằng trên thực tế có nhiều nguồn vốn đầu tư mà các startup có thể tiếp cận như quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư cá nhân… Nhưng, để có thể gọi vốn thành công, các startup phải tìm hiểu về các tổ chức này để nhà đầu tư, có sự chuẩn bị trước khi trình bày những dự án khởi nghiệp với họ. Theo vị đại diện quỹ đầu tư Big Basin Capital, thông thường các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ lựa chọn những công ty khởi nghiệp có quy mô tương đối lớn và muốn được tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, khi gọi vốn từ nguồn này, các startup phải chứng minh khả năng thành công dựa trên các số liệu, kế hoạch cụ thể… Các startup khi tham gia vào các chương trình gọi vốn đầu tư có những lúc phải chấp nhận “phô bày” số liệu kinh doanh của mình, chuẩn bị kỹ thông tin về đối thủ cạnh tranh, độ lớn của thị trường, định hướng mục tiêu phát triển.

Các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cũng đề cập tới những trường hợp khởi nghiệp thành công ở nước ngoài dù không cần phải gọi vốn đầu tư hoành tráng. Đã từng có startup sử dụng nguồn vốn huy động từ gia đình để nghiên cứu, phát triển sản phẩm; chấp nhận ra ngân hàng vay tiền làm sản phẩm và khi đưa sản phẩm ra thị trường đã thuyết phục khách hàng trả tiền trước (mở chương trình ưu đãi cho nhóm khách hàng này). Do đó, startup Việt vẫn có khả năng phát triển sản phẩm cho dù nguồn vốn trong nước bị hạn chế.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

 Muốn Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp trong tương lai thì cần dành sự ưu tiên cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm, tức đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro. Để có thể phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm của các quốc gia đi trước là phải tạo ra môi trường sinh thái đồng bộ cho doanh nghiệp phát triển. Hệ sinh thái này trước tiên phải kể đến là nguồn cung công nghệ tại các viện nghiên cứu, các trường đại học và các nhà sáng chế độc lập, họ sở hữu các kết quả nghiên cứu, các phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh, thậm chí là thông tin, cơ sở dữ liệu lớn… có khả năng thương mại hóa, tạo ra sản phẩm ở quy mô thương mại. Họ cũng có năng lực tự hoàn thiện công nghệ và cải tiến sản phẩm theo nhu cầu thị trường, đồng hành với doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Yếu tố tiếp theo là nguồn cầu công nghệ, là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Họ xây dựng doanh nghiệp từ chính những ý tưởng kinh doanh, ý tưởng sáng tạo của mình hoặc nhận sự chuyển nhượng từ các nguồn cung công nghệ. Khi được đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ có nguồn lực để biến những ý tưởng thành hiện thực. Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều thành công, thậm chí tỷ lệ thành công rất thấp, nhưng một khi đã thành công họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nói rằng tại Việt Nam, nguồn cung và cầu công nghệ có thể tạm yên tâm vì nước ta có hệ thống viện, trường không đến nỗi nào và năng lực đổi mới sáng tạo cũng được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, nguồn vốn cho các startup được xem là điểm mấu chốt của hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Bởi từ kết quả nghiên cứu đến việc đưa sản phẩm ra thị trường, không ai có thể khẳng định được sản phẩm đó sẽ thành công và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Họ phải tính đến khả năng thất bại khi đầu tư.

Nhà nước nên đi trước

Những tổ chức dịch vụ trong hệ sinh thái bao gồm các tổ chức ươm tạo công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp (startup incubator), các tổ chức tư vấn, môi giới, đánh giá, định giá công nghệ, các cơ sở kiểm định kỹ thuật, thử nghiệm… Theo các chuyên gia, trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam mới chỉ làm tốt ở khâu nguồn cung và nguồn cầu công nghiệp. Còn các khâu còn lại đều yếu, đặc biệt là yếu tố nhà đầu tư. “Trong hệ thống luật pháp của chúng ta chưa quan tâm tới đầu tư mạo hiểm, trong khi đầu tư mạo hiểm là yếu tố quyết định thành công của startup đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nói.

Ông cho biết rằng tại Israel, khi thiết lập hệ thống đầu tư mạo hiểm, chính phủ tài trợ 10 quỹ đầu tư mạo hiểm, mỗi quỹ 8 triệu đô la từ ngân sách quốc gia và họ đã rất thành công.

Tại Việt Nam, đến năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động nhưng đa phần là quỹ của nước ngoài như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF - Vina Capital, 500 Startups. Chính vì đa phần quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn vốn từ nước ngoài nên nhiều nhóm khởi nghiệp gọi vốn thành công phải đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Singapore, Thái Lan hay các quốc gia khác. “Như vậy, các startup của Việt Nam gần như làm gia công (outsource) cho các doanh nghiệp nước ngoài khi kinh doanh ở nước ngoài, đóng thuế ở nước ngoài nhưng làm ở Việt Nam”, ông Quân nêu sự băn khoăn.

Việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm mặc dù được đề cập trong Luật Công nghệ cao 2009 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2016, nhưng đến nay chưa khả thi do vướng quy định của một số luật hiện hành như Bộ luật Hình sự, Luật Ngân sách Nhà nước và chưa có văn bản hướng dẫn dưới luật. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước mà không thành công thì cũng rất gần với tội tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Quyết định 844 năm 2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã mang lại niềm hy vọng cho cộng đồng startup, trong đó có nhiều điều khoản quy định mang tính đổi mới. Điều quan trọng trong quyết định, cụ thể là tại khoản 3, khoản 5, mục II, Chính phủ cho phép sử dụng một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Hay tại Khoản 4, Mục III, của Quyết định 844 nêu: “Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép góp vốn với tổ chức đầu tư khác thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ để thực hiện hoạt động cho vay, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực chất là quỹ đầu tư mạo hiểm”. Tuy nhiên, hai năm đã trôi qua, chuyển động của đề án vẫn rất chậm, đầu tư mạo hiểm vẫn chỉ nằm trên lý thuyết.

Theo ông Quân, để hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, còn nhiều việc phải làm. Hơn nữa, Nhà nước cần thử nghiệm để xây dựng cơ chế vận hành loại quỹ nào sao cho phù hợp với thể chế của nước ta. Nếu Nhà nước không dám “đầu tư mạo hiểm” thì sẽ không xây dựng được căn cứ pháp lý và cơ chế vận hành cho hoạt động này và kết quả là tạo ra tâm lý e ngại cho các thành phần kinh tế khác. Thực tế là đầu tư cho các startup là rủi ro và có thể mất vốn, nhưng chỉ cần một startup thành công có thể bù đắp được vốn đầu tư thua lỗ.

Hiện nay, dù gặp nhiều trở ngại như thiếu vắng sự kết nối và mối quan hệ với mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, gọi vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước vẫn đang xoay xở để phát triển dự án kinh doanh của mình. Các startup non trẻ vẫn kiên trì bám trụ thị trường, phát triển các ý tưởng mới. Ông Shlomo Nimrodi, Giám đốc điều hành Trung tâm gắn kết kinh doanh Ramot thuộc Trường Đại học Tel Aviv (Israel), gợi ý rằng hiện vẫn còn những thị trường ngách đủ lớn để các startup thử sức và họ không nhất thiết phải mất thời gian để phát triển nhiều mảng sản phẩm khác nhau.

Tại sự kiện kết nối startup Việt kể trên, ông Lê Mai Tùng, Giám đốc Công ty EyeQ Tech, đã chia sẻ một số kinh nghiệm thành công cho các startup dựa trên dự án camera thông minh của công ty và tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát triển sản phẩm. EyeQ Tech có cách tiếp cận khác so với đối thủ cạnh tranh bằng cách phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng phần mềm, không tập trung vào việc kinh doanh camera giám sát như một số công ty khác. Ông Tùng cho biết việc EyeQ Tech đi sau những đối thủ cạnh tranh cung cấp các sản phẩm tương tự giúp công ty tránh được những sai sót trong lĩnh vực này.

Nguồn : TBKTSG

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading