Công ty nông sản hữu cơ vốn 0 đồng kêu gọi thành công 10 tỉ đồng: "Chúng tôi cần người đồng hành"

Dự án hợp tác cùng nông dân sản xuất gạo hữu cơ đã thuyết phục thành công nhà đầu tư góp vốn và đồng hành phát triển thị trường

Dự án gạo hữu cơ Hoa Nắng mới thành lập 3 tháng, không tiền mặt, chưa góp vốn điều lệ… đã được "cá mập" Louis Nguyễn đồng ý rót vốn 10 tỉ đồng tại chương trình truyền hình thực tế "Thương vụ bạc tỉ" - Shark Tank Việt Nam 2018 phát sóng mới đây.

Liên kết với nông dân trồng lúa sạch

Anh Lâm Anh Tú và chị Đặng Thị Trường An, đồng sáng lập Công ty CP Nông sản hữu cơ Hoa Nắng, cho biết trước khi chính thức khai sinh Công ty Hoa Nắng, dự án gạo hữu cơ đã khởi động vào năm 2013 từ mảng mới của một công ty phân bón có vốn đầu tư Thái Lan làm chủ. Do vướng quy định liên quan đến kinh doanh lúa gạo, dự án buộc phải tách ra hoạt động dưới pháp nhân khác. Đến nay, Hoa Nắng đã xây dựng vùng nguyên liệu 100 ha ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thông qua hình thức liên kết với nông dân.

"Đây là vùng chuyên canh lúa - tôm nên đất còn khá sạch. Tập quán canh tác của bà con tại đây là không dùng thuốc bảo vệ thực vật để không ảnh hưởng đến tôm, sâu rầy hại lúa có thể bị tiêu diệt 100% bằng phương pháp thuần tự nhiên là dựa vào chế độ nước bán nhật triều. Người dân rất gắn bó với đất, không bán đất cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nên cách duy nhất là phải liên kết với nông dân để hợp tác lâu dài" - anh Tú chia sẻ.

Để có 100 ha vùng nguyên liệu, dự án phải hợp tác với 100 nông dân. Vào đầu vụ, công ty cung cấp giống lúa hữu cơ và phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Ý cho nông dân, hỗ trợ 50% chi phí phân bón cho họ; tổ chức đội ngũ quản lý đồng ruộng để giám sát và hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình. Toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch được công ty bao tiêu với giá cao hơn lúa thường ở khu vực từ 30%-40%. "Lúa gạo ở Thạnh Phú nổi tiếng sạch và ngon cơm nên có giá hơn những vùng khác. Vì vậy, so với mặt bằng chung, giá lúa hữu cơ chúng tôi thu mua có thể cao gấp đôi giá thị trường" - Anh Tú nói.

Vươn ra thế giới

Tháng 11-2017, gạo hữu cơ Hoa Nắng được tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Cũng trong năm 2017, dự án sản xuất được 150 tấn gạo hữu cơ và nhanh chóng bán hết, thu về 7%-8% lợi nhuận sau thuế. Năm 2018, lúa chưa xuống giống, công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ 200 tấn gạo, lợi nhuận ước đạt 10%.

Hoa Nắng có lợi thế từ quy trình sản xuất hữu cơ chuẩn, có kinh nghiệm hợp tác với nông dân và khả năng mở rộng diện tích. Anh Tú cho biết ngay tại huyện Thạnh Phú có khả năng mở rộng lên 2.000 ha canh tác lúa hữu cơ trong 5.000 ha diện tích lúa - tôm. Ngoài ra, các tỉnh ven biển ĐBSCL đang thực hiện mô hình lúa tôm cũng có khả năng chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.

Theo chị Trường An, làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi đầu tư dài hạn, thời gian đầu dự án có lãi là dấu hiệu tích cực. Do thiên nhiên ưu đãi, vùng đất lúa - tôm chuyển sang canh tác hữu cơ vẫn đạt năng suất 4,5-5 tấn/ha nên giá thành sản phẩm thấp hơn nhiều nơi khác. Gạo hữu cơ Hoa Nắng có giá bán lẻ từ 50.000 - 55.000 đồng/kg (gạo trắng) giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn.

"Sản phẩm tốt, giá cạnh tranh là cơ sở để chúng tôi tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, công ty còn quá nhỏ, sản lượng ít nên công ty quyết định kêu gọi đầu tư để mở rộng sản xuất. Chúng tôi không chỉ cần tiền mà cần sự đồng hành của đối tác trong việc phát triển thị trường" - Trường An cho biết.

Về "thương vụ bạc tỉ", 2 nhà đồng sáng lập dự án Hoa Nắng cho biết doanh nhân Louis Nguyễn ngoài sở hữu công ty tài chính còn là giám đốc điều hành các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu và phân phối nông sản đang tìm kiếm những công ty nông sản hữu cơ Việt Nam để hợp tác xuất khẩu. Louis Nguyễn đánh giá cao gạo hữu cơ Hoa Nắng về khả năng cạnh tranh quốc tế nên đã quyết định rót vốn.

...
Không bán lẻ!

Anh Tú, Trường An cho biết vụ lúa mới sắp bắt đầu (một năm chỉ có một vụ), công ty vẫn sản xuất trên diện tích 100 ha đã được chứng nhận hữu cơ dựa vào nguồn lực sẵn có. Sau chương trình phát sóng, nhiều khách hàng liên hệ với công ty đặt hàng mua trực tiếp, công ty đều giới thiệu họ đến các điểm bán của các nhà phân phối như Satra, Vissan, Organica, US.Mart, Farmer’s Market… "Bán lẻ rất phức tạp nên chúng tôi hợp tác cùng những đơn vị mạnh về bán lẻ để phân phối sản phẩm tốt nhất" - chị An chia sẻ.

Nguồn : Người lao động

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading