Bia không cồn ngày càng đắt khách

Các sản phẩm bia không độ cồn và độ cồn thấp chỉ mới xuất hiện những năm gần đây nhưng đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt ở các nước châu Âu, nơi người tiêu dùng ngày càng có ý thức ăn uống lành mạnh.

Thắng lớn nhờ bia “không say”

Tờ Financial Times đưa tin trong báo cáo tài chính công bố hôm 13-2, hãng bia Heineken (Hà Lan) cho biết thương hiệu bia không cồn Heineken 0.0 đã được giới thiệu mở rộng ra 38 thị trường (chủ yếu các nước châu Âu) vào năm ngoái, tăng so với con số 16 thị trường vào năm 2017.

bia Heineken không cồn

Heineken ghi nhận sản lượng bia thương hiệu Heineken tiêu thụ vào năm ngoái tăng 7,7%, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ nhờ sự đóng góp lớn của bia Heineken 0.0. Vì vậy, lợi nhuận hoạt động cho cả năm 2018 của Heineken tăng 6,4% lên mức 3,87 tỉ euro, cao hơn mức dự báo 3,84 tỉ euro của giới phân tích.

Thành công của bia Heineken 0.0 là một sự khích lệ lớn đối với Heineken vì sản phẩm này chỉ mới tung ra thị trường hồi năm 2016. Giám đốc điều hành Heineken, Jean-François van Boxmeer, nhận định trong thời gian tới, Mỹ sẽ là thị trường đầy hứa hẹn của bia Heineken 0.0.

Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) cũng ghi nhận câu chuyện thành công tương tự khi kết quả kinh doanh quí 4-2018 công bố hồi tuần trước cho thấy sản lượng tiêu thụ các sản phẩm bia không cồn của hãng này, bao gồm Carlsberg 0.0 và San Miguel 0.0 tăng 33% ở thị trường Tây Âu.

“Chúng tôi chứng kiến đà tăng trưởng rất mạnh mẽ của bia không cồn ở khắp Tây Âu và chúng tôi đang đầu tư rất nhiều tiền để đạt được sự tăng trưởng này”, Heine Dalsgaard, Giám đốc tài chính Carlsberg, nói.

Carlsberg dự báo phân khúc bia “không say” sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ xu hướng ăn uống lành mạnh lan rộng. Cuộc khảo sát hồi năm ngoái của Carlsberg ở Anh cho thấy 59% người được hỏi cho biết họ từng thử uống bia không cồn hoặc độ cồn thấp, trong khi đó, 52% nhất trí cho rằng các loại bia này ngày càng được xã hội đón nhận trong hai năm qua.

Hãng bia lớn nhất thế giới AB InBev, có trụ sở ở Bỉ, cũng đang nhắm đến bia không cồn. Năm ngoái, để điều chỉnh chiến lược thích nghi với xu hướng tiêu thụ đồ uống lành mạnh hơn của giới trẻ, AB InBev đã giới thiệu một chức danh lãnh đạo mới: giám đốc phụ trách mảng bia không cồn. Ông Lucas Herscovici, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị toàn cầu về các mục tiêu chiến lược của AB InBev, đã được điều chuyển vào vị trí này.

Các sản phẩm bia không cồn của AB InBev bao gồm Budweiser Prohibition, đang đóng góp 10% sản lượng bia tiêu thụ hàng năm của hãng bia này. AB InBev đặt mục tiêu tăng con số này lên 20% vào năm 2025.

Hướng đến thị hiếu người tiêu dùng trẻ

Sự lên ngôi của bia không cồn cho thấy các hãng bia cần phải thích nghi trước sự thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng, đặc biệt là những thế hệ người tiêu dùng trẻ, có ý thức cao về sức khỏe.

Doanh thu tăng cao của bia không cồn và độ cồn thấp không chỉ bù đắp cho doanh thu sụt giảm ở phân khúc bia khác mà còn có thể cải thiện biên lợi nhuận cho các hãng bia. Bia không cồn thường có giá bán cao hơn các loại bia truyền thống vì chi phí sản xuất và quảng bá loại bia này tốn kém hơn. Song bù lại, loại bia này bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn hoặc không bị đánh thuế nhờ độ cồn thấp hoặc không có độ cồn.

Một hãng bia cho biết tại thị trường Tây Âu, bia độ cồn thấp có biên lợi nhuận gộp cao gấp 1,75 lần so với các loại bia truyền thống.

Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho biết thị hiếu ngày càng lớn của người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ và giới thanh niên, đối với các đồ uống ít gây say xỉn kết hợp với mức biên lợi nhuận cao hơn của chúng đã làm các hãng bia lớn chú ý đến bia không cồn và độ cồn thấp. Dù mới chỉ chiếm 5% thị trường bia toàn cầu, sản lượng tiêu thụ của phân khúc bia này đang tăng trưởng khá tốt ở mức 3,9% trong giai đoạn 2002-2017, vượt trội so với mức tăng trưởng 0,2% của thị trường bia nói chung.

Cuộc khảo sát người tiêu dùng ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha do UBS thực hiện cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng nói rằng họ có thể uống bia không cồn hoặc độ cồn thấp trong 12 tháng tới đã tăng từ mức 30% trong năm 2017 lên mức 36% trong năm 2018.

Các loại bia không cồn và độ cồn thấp được đón chào nồng nhiệt nhất tại Tây Ban Nha khi chúng chiếm đến 12% tổng sản lượng bia tiêu thụ ở nước này vào năm ngoái.

Những người tiêu dùng sử dụng thế hệ bia không cồn và độ cồn thấp đầu tiên có thể chê hương vị nhạt nhẽo của chúng. Song các kỷ thuật ủ bia đang được cải thiện. Những dòng men được chọn lọc có thể tạo ra bia độ cồn thấp nhưng vẫn giữ lại hương vị đặc trưng của bia.

Cuộc khảo sát của ngân hàng UBS cho thấy gần 2/3 người tiêu dùng từng thử uống bia không cồn hoặc độ cồn thấp cho biết hương vị ngon là lý do họ tiếp tục uống loại bia này.

---

Tại Việt Nam, bia không cồn đã được giới thiệu ra thị trường trong những năm gần đây và đang dần được người tiêu dùng đón nhận.

Tờ Nikkei Asian Review cho biết năm ngoái, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) cho biết sẽ tăng gấp 5 lần sản lượng nhãn hiệu bia Sagota không cồn (Sagota Alcohol Free Beer, hay còn gọi là Bia chay) trong các năm tới. Loại bia này chỉ có 0,5% cồn và có giá bán 15.000 đồng /lon. Khi mới xuất hiện năm 2014, loại bia lạ lẫm này không được tiêu thụ nhiều song trong những năm sau đó, nó bắt đầu được khách hàng tiêu thụ nhiều hơn, đặc biệt là các khách hàng nữ và giới trẻ.

Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu bia không cồn từ Đức và Nhật Bản cũng đang tăng cao. Tại siêu thị Fivimart ở Hà Nội, nhãn hiệu bia không cồn Oettinger của Đức được trưng bày ở vị trí bắt mắt nhất. Một lon bia không cồn Oettinger 500ml có giá bán 33.000 đồng, đắt hơn khoảng 10% so với các nhãn hiệu bia nhập khẩu thông thường khác.

Các nhãn hiệu bia không cồn nhập khẩu khác cũng bắt đầu xuất hiện nhiều tại các siêu thị và cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam như Dry Zero của Asahi Breweries (Nhật Bản) hay Baltika (Nga).

Nguồn : TBKTSG

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading