Xuất xoài ngon đi Mỹ

Sau hơn một tháng (kể từ 18/4) tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu lô hàng đầu tiên 8 tấn xoài tươi sang Mỹ, đến nay lượng xoài tiếp tục tăng hơn 100 container vào thị trường này.

Khởi đầu suôn sẻ

Theo TS Lương Trung Lập, Trưởng phòng Kinh doanh Cty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), đến ngày 15/5 đã có 103 container (20 tấn/container) xoài xuất sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không.

Ở ĐBSCL hầu như tỉnh nào cũng có thể trồng xoài. Nhưng hiện thời các vườn xoài được cấp mã code tham gia cung hàng xuất khẩu chủ yếu xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu từ 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Theo Cty TNHH XNK trái cây Chánh Thu ở Chợ Lách (Bến Tre), doanh nghiệp đã bắt tay liên kết với 2 HTX xoài Mỹ Xương (81ha) và HTX xoài 3 màu Bình Phước Xuân (70ha) để xuất bán 8 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ.

Xoài qua Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), được kiểm tra, cấp mã code, chiếu xạ, có thể truy xuất nguồn gốc. Phía DN xuất bán cam kết đáp ứng đúng yêu cầu chất lượng, số lượng, có vùng nguyên liệu khép kín, sản phẩm không tồn dư thuốc BVTV.

Xoài phải đạt chuẩn về kích cỡ, như xoài Cát Chu trái từ 300 gram, xoài cát Hòa Lộc chọn trái trên 400 gram, xoài tượng da xanh trên 700 gram/trái.

Lô hàng đầu tiên 8 tấn xoài từ Việt Nam bán vào một số tiểu bang nước Mỹ đã gây hiệu ứng tích cực. Một số người tiêu dùng Việt kiều định cư tại Mỹ, báo tin: Khi xoài Việt qua, xoài Mexico bán tại chợ ALDI bắt đầu giảm giá 35 - 75 cent/trái.

Xoài đựng trong thùng có gắn logo “Daitan” lần đầu xuất hiện trên TV ở California được giới thiệu là xoài ngon nhất Việt Nam. Trước xoài có một số trái cây đã vào Mỹ, nhưng lần này xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu thật sự tạo nên cơn sóng với giá 70 USD/thùng 11 Lbs (12 trái - Lbs viết tắt pound, cân Anh). Một Việt kiều tại Portland, bang Oregon cho biết thêm, chỉ riêng khoản phí giao hàng là 4 - 5 USD/1Lbs (0,4kg).

Xoài bán vào thị trường cao cấp mới là bước khởi đầu, số lượng còn ít, có giá bán cao dù chi phí xuất khẩu, vận chuyển đường hàng không không hề nhỏ.

Tuy nhiên, xoài bán được vào Mỹ chứng tỏ nông dân trồng xoài và DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu theo các điều kiện khắt khe nhất để bán hàng vào thị trường cao cấp.

Trong khi đó, từ tháng 5 mùa trái cây ở Nam bộ đang vào mùa chín rộ. Dù xoài xuất sang Mỹ, bán qua các nước trong khu vực hay một số nước khác vẫn chưa đủ sức kéo giá xoài nội địa tăng lên.  

Nhận diện điểm khó

Xoài được xem là một trong hơn 10 loại cây ăn quả có giá trị ở nước ta, được trồng trên nhiều vùng miền nhưng tập trung nhiều và có sản lượng lớn ở các tỉnh phía Nam.

Dù không chiếm diện tích trồng xoài lớn hơn Thái Lan, Philippines, Indonesia, nhưng nước ta có nhiều giống xoài ngon. Đặc biệt hai giống xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu ở ĐBSCL được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đẹp mắt khi trái chín vàng, thịt ngọt, mùi thơm hấp dẫn.

Hiện nay xoài Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường của 40 nước. Những năm 2013 - 2015 xoài Việt đã bán qua Nhật Bản, Hàn Quốc và thâm nhập thị trường cao cấp một số nước.

Tuy nhiên xoài Việt mở đường vào Mỹ phải mất thời gian đàm phán gửi hồ sơ kỹ thuật từ năm 2004, đến 18/2/2019 mới chính thức được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Xoài là loại quả thứ 6 xuất qua Mỹ sau thanh long, chôm chôm, vải thiều, nhãn, vú sữa. Hiện nay Cục BVTV đã cấp 99 mã code cho vùng trồng xoài ở các tỉnh phía Nam đủ điều kiện xuất khẩu qua Mỹ cũng như các thị trường khó tính khác.

Trong mấy năm qua, ở ĐBSCL có Cty Chánh Thu và Cty Vina T&T hợp tác liên kết với nhiều HTX trồng xoài, vú sữa, nhãn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng để hình thành vùng nguyên liệu, tạo nguồn cung.

Các công ty này cho biết cán bộ ngành BVTV và đối tác phía Mỹ tới khảo sát, tận mắt nhìn thấy cách nông dân chăm sóc, ghi chép, bao trái… rồi cấp mã code (mã số vùng trồng).

Một chủ DN cho biết: Khi bắt tay liên kết với các HTX nông dân phải theo sát hướng dẫn thực hiện đúng theo qui trình sản xuất của cán bộ BVTV, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh ngoài danh mục, khuyến cáo bao trái ngăn ngừa ruồi đục quả. Phải chịu tốn chi phí chiếu xạ, kiểm tra chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến khi xuất sang Mỹ nếu họ phát hiện hàng vi phạm lần đầu sẽ bị cảnh cáo, còn phát hiện lần sau nữa họ sẽ huỷ code. Bên cạnh đó, hàng trái cây tươi nhất là xoài, vú sữa vỏ mỏng khó bảo quản nên thường xuất qua đường hàng không.

Đường bay tới Mỹ nhanh cũng mất hơn một ngày, cước phí vận tải rất cao, khoảng 3,5 USD/kg. Dù vậy, lo lắng nhất là bị hoãn chuyến bay hoặc hàng nằm chờ phơi mưa phơi nắng ở sân bay… Chỉ đến khi bên kia khách nhận hàng xong mới hết lo.  

Thách thức hàng cao cấp

Tin xoài đã xuất khẩu qua Mỹ chưa tới tai nhà vườn, thậm chí một số nhà vườn trồng xoài các tỉnh khác xa Đồng Tháp, An Giang vẫn còn ngơ ngác. Vì vậy mùa xoài năm nay tới lứa chín rộ bán ra chợ nhiều nhưng giá giảm từng ngày.

 Xoài phân loại tại vườn hàng lựa vào siêu thị, cửa hàng trái cây máy lạnh giá bán cao một trời một vực so với hàng dạt ra chợ quê, bên lề đường, rẻ rề. Tại Kế Sách, Sóc Trăng, thương lái đến tận vườn mua xoài (không phân loại) 4.000 - 5.000 đồng/kg, còn hàng lựa 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trái cây ở nước ta phần nhiều nông dân sản xuất còn tự phát, nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng nhiều chỗ chưa đạt, khó khăn trong áp dụng khoa học kỹ thuật mới, khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Diện tích trồng trái cây được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP...) hoặc theo hướng an toàn còn thấp chỉ khoảng 10 - 15% diện tích trồng trọt.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt và BVTV Sóc Trăng, thừa nhận: “Hiện thời mối liến kết giữa nông dân - HTX và DN chưa mạnh, cần tiếp tục củng cố. Bởi tiếp sau các HTX trồng vú sữa xuất khẩu được sang Mỹ với hai Cty Chánh Thu và T&T, tỉnh Sóc Trăng đang xúc tiến tập trung hỗ trợ trên 10 HTX trồng xoài, nhãn, bưởi… áp dụng theo qui trình sản xuất mới, kiểm soát sử dụng phân thuốc chặt chẽ và hiện có DN khảo sát, tiến tới hợp tác, ký hợp đồng thu mua”.

“Không còn cách nào khác muốn bán hàng vào thị trường cao cấp với giá cao phải bỏ cách làm theo tập quán cũ lạm dụng phân, thuốc trừ sâu. Chuyển dần từ hàng bán chợ nội địa theo hướng sản xuất trái ngon đạt chất lượng xuất khẩu là một bước nâng cấp đáng kể để giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Phước nói.

---
Theo Sofri, đến năm 2017 cả nước có hơn 92.700ha xoài, sản lượng hơn 788.200 tấn, trong đó ĐBSCL là vùng sản xuất xoài lớn nhất với trên 42.700ha chiếm đến 46,1% diện tích và 64.4% sản lượng xoài của cả nước; vùng Đông Nam bộ (chiếm 19,2% diện tích và 64,4% sản lượng xoài cả nước). Vùng trồng xoài nhiều nhất ở các tỉnh Đồng Tháp trên 9.100ha, An Giang trên 8.800ha, Vĩnh Long trên 5.100ha, Tiền Giang trên 4.700ha…

Nguồn : Nông nghiệp

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading