Phân biệt cam sành Hà Giang, cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm

Thương hiệu cam sành Hà Giang ai cũng biết, nhưng để phân biệt với các loại cam sành vùng khác không phải dễ. Hội chợ nông đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Cạn năm 2018 chính là để các địa phương quảng bá sản phẩm và giúp khách hàng phân biệt được đâu là cam Hà Giang.

Quảng bá xây dựng thương hiệu

Hội chợ nông đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Cạn năm 2018 được Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Hà Giang và Bắc Cạn tổ chức từ ngày 19 đến 25/12 tại Hà Nội với quy mô 200 gian hàng của các địa phương, đơn vị, DN, hợp tác xã đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tại hội chợ cũng hội tụ rất nhiều các đặc sản vùng miền được quảng bá tại đây, như: Các loại thủy hải sản, nước mắm của các tỉnh thành ven biển. Các loại măng, miến dong, gạo, chè, cà phê… của các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, hàng thủ công mỹ nghệ nhiều vùng miền… Hà Nội cũng có gian hàng giới thiệu các đặc sản như: Cam canh, bưởi diễn, rau an toàn, rau hữu cơ, thủ công mỹ nghệ…

Đặc biệt, tại Hội chợ lần này tập trung vào quảng bá thương hiệu cho 2 sản phẩm đặc sản là: Cam sành Hà Giang và quýt Bắc Cạn. Qua đây, được quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm thông tin, tư vấn khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Theo đại diện một số hợp tác xã trồng quýt tại Bắc Cạn cho biết: Từ đầu những năm 1980, người dân khu vực xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đã phát triển thành các vùng chuyên canh cây quýt. Diện tích cây quýt được trồng mở rộng dần ra những xã, vùng lân cận và đến nay đã trở thành vùng nông sản hàng hóa.

Đến nay, diện tích cam quýt Bắc Cạn đạt trên 3.500ha. Sản lượng thu hoạch từ 18 - 20 nghìn tấn/năm. Năm 2012, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Bắc Cạn cho sản phẩm quýt Bắc Cạn. Bắc Cạn đã bắt đầu ứng dụng sản xuất theo quy trình VietGAP được trên 300ha.

Ông Hà Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội cam sành Hà Giang chia sẻ: Hà Giang nổi tiếng với sản phẩm cam sành. Hiện Hà Giang phát triển được 8,7 nghìn ha trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc. Sản lượng năm 2018 đạt trên 62 nghìn tấn. Hà Giang tổ chức Hội chợ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hiện tại, Hà Giang không khuyến khích mở rộng thêm diện tích trồng cam mà tập trung nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cho cây cam sành, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để nâng cao vị thế sản phẩm chủ lực trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.

Phân biệt cam Hà Giang, quýt Bắc Cạn

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại cam sành. Thị trường tự do đã bán cam sành từ tháng nay. Người kinh doanh khi được hỏi cam ở đâu, thì họ đều nói đấy là cam sành Hà Giang.

Trước yêu cầu làm thế nào phân biệt được cam sành Hà Giang với cam sành những nơi khác, ông Tuấn và một số đại diện hợp tác xã trồng cam sành tại Hà Giang chia sẻ: Cam sành Hà Giang bắt đầu chín từ tháng 12 Dương lịch đến tháng 4 - 5 năm sau. Hiện, Hà Giang mới bắt đầu bán cam sành ra ngoài, nên thị trường bán cam sành Hà Giang từ hàng tháng nay đó không phải là cam Hà Giang. Cam sành Hà Giang chín bắt đầu từ tháng 12 Dương lịch nên khi đó chủ vườn mới bắt đầu bán. Các chủ vườn ở đây thường bán cả cây cho thương lái, không cắt lẻ, do vậy cam Hà Giang chưa có bán trên thị trước trước khi diễn ra Hội chợ này.

cam sành Hà Giang

Nhìn bề ngoài vỏ, cam sành Hà Giang không bóng nhẵn mà sần và có những vết rám sạm. Cam sành Hà Giang khi bóc dễ tróc vỏ khỏi múi, không dính như cam sành nơi khác.

Khi bổ ra, cam sành Hà Giang có màu vàng đỏ, tép khô, ăn ngọt đậm. Cam sành nơi khác màu vàng chanh, tép mọng nước, ăn có thể chua, hoặc ngọt nhưng ngọt nhạt, không có vị ngọt đậm như cam Hà Giang.

Quýt Bắc Cạn, nhiều người hay gọi là quýt hôi. Quýt Bắc Cạn khi chín có màu vàng nhạt, vỏ cũng không nhãn bóng. Quýt Bắc Cạn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị, thơm, chua dịu, ngọt mát… không trộn lẫn với bất cứ sản phẩm quýt của vùng khác.

Đến với Hội chợ, người tiêu dùng không chỉ phân biệt được cam sành Hà Giang với cam sành các nơi khác mà còn được thưởng thức, phân biệt các loại quýt (Bắc Cạn); cam canh, bưởi diễn, ổi (Hà Nội), cam bưởi Nà Sản (Sơn La)… Người tiêu dùng sẽ  cảm nhận được sự khác biệt của những sản phẩm nông sản kể trên trồng theo quy trình an toàn, hữu cơ với các sản phẩm không an toàn bán trôi nổi trên thị trường. Người tiêu dùng cần biết phân biệt các loại quả kể trên nói riêng và các sản phẩm Việt nói chung đã góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn : Kinhtedothi.vn

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading